Vì sao Bộ GTVT kiên quyết yêu cầu taxi công nghệ phải gắn “mào”?
VOV.VN - Hộp đèn phân biệt xe cá nhân với xe kinh doanh. Dự thảo thay thế Nghị định 86, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất taxi công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe.
Bộ GTVT đã làm việc và thống nhất với Bộ TT&TT
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng dự thảo lần thứ 9 Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, sau khi đã thống nhất một số nội dung với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Công an.
Bộ GTVT đề nghị xe ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm phải gắn hộp đèn taxi (Trong ảnh: Tài xế Grab đón khách trên đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) |
Đáng chú ý, dự thảo lần này, Bộ GTVT tiếp tục giữ quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (như xe Grab, Vato, Be) phải gắn hộp đèn “Xe hợp đồng” cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30 cm.
Theo Bộ GTVT, dự thảo Nghị định lần này đã tiếp thu và được sự đồng thuận của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội taxi Hà Nội, Hiệp hội taxi Đà Nẵng, Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp taxi lớn và một số sở GTVT.
“Đặc biệt, các nội dung, quy định này cũng được nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Nhiều nước hiện nay như: Thái Lan, Singapore...xe ứng dụng công nghệ cũng phải gắn hộp đèn trên nóc xe", Bộ GTVT cho biết.
Hộp đèn giúp phân biệt xe cá nhân với xe kinh doanh
Trước đó, dự thảo lần 8 Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 có nội dung xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải gắn hộp đèn “Xe hợp đồng” trên nóc xe, đa số các bộ ngành đã đồng ý, riêng Bộ TT&TT vẫn còn ý kiến khác. Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT làm việc với Bộ TT&TT để tiếp thu, chỉnh sửa, thống nhất về nội dung này.
Bộ GTVT tiếp tục đề xuất xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ kết nối phải gắn hộp đèn "Xe hợp đồng" . |
Theo Bộ GTVT, quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải gắn hộp đèn “Xe hợp đồng” trên nóc đã được đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng. Quy định này nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi.
Đồng thời, hộp đèn giúp phân biệt xe cá nhân (không kinh doanh vận tải) với xe kinh doanh, làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh, gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị (đường có biển cấm loại phương tiện này nhưng do không có nhận diện nên vẫn đi vào các tuyến phố bị cấm dẫn đến ùn tắc giao thông); đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Xe công nghệ và taxi truyền thống có cơ hội như nhau?
Ông Nguyễn Văn Thanh, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc gắn hộp đèn “Taxi điện tử” hay xe hợp đồng điện tử để phân biệt với xe tư nhân là cần thiết.
Theo ông Thanh, bản chất của xe Uber, Grab trước khi vào Việt Nam là “kinh tế chia sẻ”, giúp giảm xe cá nhân lưu thông trên đường. Song, thực tế hiện nay nhiều người đầu tư xe để kinh doanh Grab như taxi, tỷ lệ xe cá nhân hoạt động khi nhàn rỗi trong lĩnh vực này không nhiều.
Xe công nghệ và taxi truyền thống có cơ hội như nhau? |
“Việc gắn hộp đèn “Taxi điện tử” là việc cần làm để quản lý chặt hơn các loại hình vận tải hành khách bằng taxi. Khách hàng cũng dễ nhận biết, lựa chọn dịch vụ sử dụng phù hợp với nhu cầu của mình, đồng thời lực lượng chức năng dễ dàng trong xử lý vi phạm”, ông Thanh nói.
Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phân tích, hiện taxi truyền thống đang yếu thế so với taxi công nghệ, vì phải chấp hành nghiêm ngặt với điều kiện kinh doanh, trong khi xe ứng dụng công nghệ vào điều kiện thoáng hơn, chi phí quản lý, thủ tục thấp nên lợi thế cạnh tranh so với taxi truyền thống.
Khi trực tiếp điều hành phương tiện, quyết định giá cước vận tải đương nhiên là đơn vị kinh doanh vận tải. Bộ GTVT không cấm xe cá nhân kinh doanh vận tải, nhưng đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, muốn kinh doanh phải tuân thủ điều kiện, là cổ đông của doanh nghiệp hay thành viên hợp tác xã vận tải để quản về thuế, con người và phương tiện.
Thứ trưởng nói và khẳng định: “Taxi điện tử hay hợp đồng điện tử về bản chất là một, xe dưới 9 chỗ, dù là xe hợp đồng hay ứng dụng kết nối vận tải nhưng đã tham gia kinh doanh vận tải hành khách thì điều kiện kinh doanh phải như taxi. Đối với taxi truyền thống, bên cạnh việc tính tiền qua đồng hồ thì khuyến khích tính tiền qua phần mềm. Đối với xe taxi điện tử bên cạnh tính tiền qua ứng dụng thì khuyến khích qua đồng hồ. Tất cả đều có mào “Taxi”.
Vì vậy, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải cần được sửa đổi bổ sung và sớm ban hành nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình vận tải này./.
Tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải được Bộ GTVT tổ chức gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Bản chất taxi công nghệ và taxi truyền thống là như nhau, do đó các điều kiện phải tương đồng để đảm bảo công bằng.
Nghị định 86 mới phải quản lý chặt chẽ kinh doanh vận tải, nhất là loại hình ứng dụng gọi xe mới như Grab. Ranh giới giữa taxi và vận tải hợp đồng, xe taxi công nghệ rất mong manh, đây là vấn đề bức xúc và Nghị định 86 sẽ có sự điều chỉnh để tất cả các loại hình vận tải hoạt động công bằng theo đúng pháp luật.
Taxi công nghệ và taxi truyền thống đều phải có “mào” cho bình đẳng?
Tài xế mắc kẹt vì cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ
Tranh luận trái chiều xung quanh việc “gắn mào” cho taxi công nghệ