Vì sao chưa thể khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong tháng 12 này?
VOV.VN - Do gặp một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục nên dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình chưa thể khởi công trong tháng 12/2024 theo kế hoạch.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình (sau đây gọi tắt là dự án) có chiều dài tuyến là 25,3km; điểm đầu tại nút giao Mai Sơn kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô), điểm cuối tại cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định (thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh).
Công trình có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120km/h, bề rộng nền đường gần 25m, bề rộng mặt đường 15m. Toàn tuyến sẽ có 12 cầu, trong đó có 3 cầu vượt dân sinh, 3 nút giao liên thông. Tổng mức đầu tư là 6.865 tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh Ninh Bình. Theo dự kiến, sẽ khởi công vào tháng 12/2024 và sẽ hoàn thành vào năm 2029. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch khởi công khó có thể diễn ra theo dự kiến vì còn nhiều thủ tục chưa thể hoàn thiện xong.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Hiện đơn vị phụ trách đang xin thẩm định trên Cục Đường cao tốc Việt Nam, thẩm định thiết kế kỹ thuật và thẩm định dự toán xây dựng. Trong đó đang gặp một chút khó khăn trong đấu nối với hệ thống Giao thông Thông minh (ITS). Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục khắc phục các khó khăn để sớm hoàn thiện thủ tục theo quy định. Nếu tiến độ chuẩn bị xong sớm nhất thì có thể đến ngày 20/1/2025 có thể sẽ khởi công được dự án".
Theo ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình, theo kế hoạch Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, sẽ được khởi công trong tháng 12. Tuy nhiên thực tế lễ khởi công sẽ không được triển khai. Nguyên nhân được ông Chính chỉ ra là do thủ tục, phương án khai thác, xác định chi phí để khai thác mỏ đặc thù phục vụ đất đắp nền đường cho dự án còn nhiều vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Bên cạnh đó, dự án có khối lượng xây lắp lớn, nhiều hạng mục phức tạp nên để lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cả dự án sẽ cần nhiều thời gian (đặc biệt hệ thống giao thông thông minh - ITS là nội dung mới còn nhiều vướng mắc).
"Các loại vật tư, vật liệu chuyên dụng cho xây dựng công trình giao thông (bấc thấm ngang, thiết bị cho hệ thống giao thông thông minh - ITS...) không có trong thông báo giá hàng tháng, vì thế gặp khó khăn trong việc xin báo giá của nhà cung cấp làm cơ sở cho việc lập dự toán xây dựng. Đến thời điểm hiện tại đơn vị đã thực hiện xong công tác lựa chọn nhà thầu khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và đã triển khai ký hợp đồng từ 30/10. Công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán đã thực hiện xong và đã ký hợp đồng từ ngày 25/11. Việc cắm cọc giải phóng mặt bằng cũng đã thực hiện xong; công tác khảo sát đã cơ bản hoàn thành và đang đôn đốc đơn vị tư vấn khảo sát hoàn thiện hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát. Chúng tôi phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để khởi công dự án trong tháng 1/2025. Đây là nhiệm vụ khó khăn, có những nội dung nhiều khả năng phát sinh không chủ động được, như thời gian thẩm định của Cục Đường cao tốc Việt Nam, thủ tục về mỏ đặc thù khai thác khoáng sản, phục vụ đắp nền đường...", Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình chia sẻ.
Trong khi đó, dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án có tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 19.784,55 tỉ đồng. Tập đoàn Geleximco là nhà đầu tư đề xuất dự án.
Theo đó, nhà đầu tư sẽ thu xếp hơn 10.447 tỉ đồng vốn (chiếm 52,81%). Vốn Nhà nước là 9.337 tỉ đồng (chiếm 47,19%). Trong đó 6.200 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, 1.462 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh Thái Bình và 1.675 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh Nam Định. Tuyến đường có chiều dài khoảng 60,9km, đoạn qua Nam Định dài 27,6km và đoạn qua Thái Bình dài 33,3km. Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h, nền đường rộng 24,75m, mặt đường cấp cao A1.
Điểm đầu dự án ở km19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Điểm cuối là km80+200 tại nút giao giữa quốc lộ 37 và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Được biết, quý IV/2024 tỉnh Thái Bình sẽ đấu thầu dự án rộng rãi trong nước, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Năm 2025 sẽ khởi công dự án. Dự kiến dự án được hoàn thành cơ bản vào năm 2027, đưa vào vận hành khai thác từ năm 2028. Thời gian thu phí hoàn vốn là 25 năm 4 tháng.
Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng kết nối các tỉnh khu vực Nam sông Hồng, khu vực Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối với các tuyến cao tốc như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến quốc lộ như quốc lộ 10, quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 37 mới… và các trục phát triển kinh tế như đường trục phát triển kinh tế Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành.
Với tính chất, vai trò là đường liên vùng, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ trong khu vực.
Qua đó góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.