Vì sao Đà Nẵng lại là “điểm đến” của khách du lịch?
VOV.VN - Níu chân khách du lịch không chỉ là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà quan trọng hơn là cách người dân ứng xử với du khách, với văn hóa, danh lam thắng cảnh... Khi mỗi người dân là một “Đại sứ du lịch” thì hoàn toàn có quyền hy vọng về một ngành du lịch phát triển và bền vững
Cách đây mấy năm, tôi cùng đồng nghiệp và bạn bè từng có dịp đi công tác và du lịch ở Hàn Quốc, Singapore… Khi bắt đầu chuyến đi, chúng tôi háo hức nhưng cũng khá e ngại vì đến nơi mới lạ, chẳng may có chuyện gì thì sẽ rất khó khăn trong xử lý.
Nhưng khi trải nghiệm ở những nơi này, mọi việc lại diễn ra khá suôn sẻ. Người dân ở đây nhiệt tình và hiếu khách khiến chúng tôi cảm động. Tại Hàn Quốc, nơi chúng tôi ở cách ga tàu điện ngầm khá xa nên phải liên tục hỏi đường. Nhiều người dân Hàn Quốc không nói tiếng Anh nhưng dù bất đồng ngôn ngữ, chúng tôi đều được họ vui vẻ, tận tình chỉ đường. Có lần, vì dẫn chúng tôi tìm đường mà một người dân Hàn Quốc đã lỡ cả tàu. Khi chúng tôi cảm ơn, họ xua tay vui vẻ và nói là việc làm bình thường.
Hay tại Singapore, nơi được ví là một trong những “thiên đường du lịch” ở Đông Nam Á, dù rất đông khách du lịch nhưng tại các ga tàu điện ngầm, mọi người mặc nhiên xếp hàng trật tự, không có sự chen lấn, xô đẩy. Trên tàu điện ngầm, xe buýt dù mọi người đứng san sát nhưng ghế dành cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em dù để trống cũng không có người ngồi vào nếu không thuộc diện được ưu tiên.
Tại các con phố du lịch, giá cả thường được niêm yết rõ ràng và không có hiện tượng “chặt chém” du khách. Một lần, chúng tôi vào quán ăn, khi phát hiện ra bát mỳ có sợi tóc, không chỉ nhân viên cúi người xin lỗi mà cả đầu bếp, chủ nhà hàng cũng đến tận bàn xin lỗi và không nhận tiền bữa ăn hôm đó.
Lần khác chúng tôi mua hàng ở một cửa hàng khi khách khá đông. Chắc có sự nhầm lẫn nên nhân viên bán hàng đưa hóa đơn cho một người trong đoàn chúng tôi mà chưa nhận tiền. Khi bạn tôi trao đổi để gửi lại tiền, họ xin lỗi và kiểm tra toàn bộ hàng hóa rồi cộng tiền bán hàng hôm đó, khi phát hiện sai sót mới nhận lại tiền vì sợ nhầm lẫn cho khách. Không những thế, nhân viên và chủ cửa hàng còn xin lỗi vì sự bất tiện.
Sau này, chúng tôi đã đôi lần cùng người thân trở lại những nơi này và ai cũng cảm nhận đây không chỉ là địa điểm lý tưởng cho khách du lịch vì cảnh đẹp, phương tiện công cộng thuận tiện mà quan trọng hơn là ứng xử của con người đã níu kéo chúng tôi quay lại.
Cách đây 5 năm, tôi có dịp lần đầu được đến Đà Nẵng. Tôi khá ấn tượng với giao thông và con người ở nơi này. Gần như trên các tuyến đường, hiếm có cảnh sát giao thông nhưng mọi người vẫn đi lại trật tự, không có cảnh vượt đèn đỏ hay phóng nhanh, vượt ẩu. Trên các đường phố cũng không có bóng dáng ăn xin hay cảnh chèo kéo khách như thường thấy ở một số khu du lịch trong nước.
Lần này sau 5 năm trở lại, mọi thứ gần như không thay đổi. Giao thông vẫn trật tự, ngăn nắp. Trong những ngày ở đây, theo giới thiệu của bạn bè, mỗi ngày đi đâu, chúng tôi thuê trọn gói lái xe cho ngày hôm đó. Ngày đầu tiên là một anh lái xe còn trẻ, làm việc khá chuyên nghiệp. Chỉ cần chúng tôi đưa mã số chuyến bay là khi xuống sân bay, tài xế đã liên hệ và chờ sẵn. Trên đường đến các điểm du lịch, tài xế giới thiệu lịch sử và câu chuyện về những nơi này như một hướng dẫn viên khiến ai cũng háo hức.
Ngày hôm sau, do gia đình anh lái xe trẻ có việc đột xuất, chúng tôi thuê một bác trung tuổi đưa đón đến các điểm tham quan. Khi đi được 1-2 điểm thì trời đổ mưa nên mọi người trong đoàn, nhất là trẻ con có ý muốn về khách sạn nghỉ ngơi. Nhưng khi nghe bác lái xe kể rằng, ai đã đến Đà Nẵng thì không nên bỏ qua chùa Linh Ứng ở Sơn Trà. Với giọng miền Trung trầm ấm, bác tài xế kể về sự tích của ngôi chùa, về quá trình xây dựng và điểm độc đáo là tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát cao nhất Đông Nam Á với chiều cao 67 m, lòng tượng có 12 tầng, đã được UNESSCO công nhận… Câu chuyện của bác cuốn hút đến nỗi tất cả mọi người đã thay đổi quyết định dù trời đang mưa to.
Trên đường, chúng tôi đem thắc mắc về việc vắng bóng CSGT cũng như hiếm thấy ai vượt đèn đỏ, bác tài cười rằng, tất cả các ngã tư đều lắp camera phạt nguội. Việc xử phạt ở đây khá nghiêm nên tốt nhất là tuân thủ giao thông, dần thành thói quen.
Kết thúc chuyến tham quan, ngoài số tiền thanh toán theo hợp đồng, chúng tôi có biếu tài xế chút đỉnh nhưng bác kiên quyết từ chối. Không chỉ những tài xế mà chúng tôi gặp đã để lại nhiều thiện cảm, mà người dân ở đây cũng khiến mọi người cảm thấy gần gũi, mến khách. Trong chuyến đi, do chuẩn bị thiếu đồ dùng cá nhân nên chúng tôi đã dừng mua ở dọc đường và tại các điểm du lịch nhưng giá cả khá hợp lý, người mua kẻ bán đều vui vẻ, không có cảm giác “chặt chém”. Trong các quán ăn cũng vậy, giá được niêm yết, khách du lịch gọi gì nhà hàng phục vụ theo yêu cầu, không gặp cảnh chào mời, chèn ép rồi khi thanh toán phải trả số tiền gấp nhiều lần so với giá trị thật…
Sau chuyến du lịch, chúng tôi hài lòng, có ấn tượng tốt về Đà Nẵng và ai cũng nhận ra một điều, níu chân khách quay trở lại không chỉ là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà quan trọng hơn vẫn là cách người dân ứng xử với du khách, với văn hóa, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.
Và khi mỗi người dân là một “Đại sứ du lịch” thì chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một ngành du lịch phát triển và bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển đất nước./.