Vì sao đầu tư khoảng 25 km cao tốc 4 làn xe tại Ninh Bình lên gần 7.000 tỷ đồng?
VOV.VN - Mặc dù chiều dài đường cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh chỉ khoảng 25 km nhưng phải xây tới 12 cầu và ba nút giao lớn nên mức đầu tư tới gần 7.000 tỷ đồng
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình). Cụ thể, Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình được giao làm chủ đầu tư. Công ty TNHH MTV kỹ thuật tài nguyên và môi trường (trụ sở tại Nghệ An) thực hiện tư vấn lập báo cáo ĐTM.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình) có tổng chiều khoảng 25,3 km, đi qua địa phận huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Điểm đầu tuyến tại nút giao Mai Sơn thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình giao với đường cao tốc Bắc - Nam; điểm cuối tại đầu cầu vượt sông Đáy thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án này là gần 200ha, trong đó, mặt đường quốc lộ là 0,16 ha; mặt đường tỉnh lộ là 1,6 ha; mặt đường huyện, xã là 2,6 ha; đất trong xóm là 2,1 ha; đất trồng lúa 14,4 ha; đất nuôi trồng thủy sản 6,1 ha và đất nghĩa trang 1,7 ha.
Về quy mô xây dựng dự án, xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/h có bề rộng nền đường 24,75 m và các công trình phụ trợ trên tuyến. Tuyến cũng sẽ bố trí khoảng 19,73 km đường gom, một trạm dừng nghỉ. Xây dựng các hầm chui dân sinh; hệ thống thoát nước ngang, hệ thống thoát nước dọc và lắp đặt hệ thống an toàn giao thông trên toàn tuyến chính và tuyến nối. Tổng mức đầu tư của dự án này là 6.971 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là 2.000 tỉ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và một số chi phí có liên quan khác; ngân sách Trung ương 4.971 tỉ đồng. Về tiến độ, dự kiến khởi công vào quý I/2025, hoàn thành vào quý IV/2027, đưa vào vận hành năm 2028.
Dự án nhằm mục tiêu hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, kết nối các tỉnh, thành phố, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng và tạo động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Hiện tỉnh Ninh Bình đang đẩy nhanh phê duyệt ĐTM và phê duyệt khả thi, phấn đấu cuối năm 2024 khởi công, để rút ngắn thời gian thủ tục khoảng 5 tháng so với dự kiến. Số tiền đầu tư lớn vì dự án này đi qua nhiều khu dân cư với 3 nút giao lớn, 12 cầu cống, đường gom, tái định cư, hạ tầng hoàn trả nhiều, nền đất yếu...".
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT 08) đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ xây dựng 12 cầu, trong đó có 9 cầu trên tuyến chính và ba cầu vượt ngang. Cụ thể, 9 cầu trên tuyến chính đều có bề rộng cầu là 24,75m, bao gồm cầu qua QL 1A và đường sắt Bắc - Nam, dài khoảng 585 m; cầu Khánh Trương dài khoảng 57m; cầu Trà Tu dài khoảng 115m; cầu Sông Vạc dài khoảng 572m; cầu vượt QL 10 dài khoảng 373m. Cầu sông Dưỡng Điềm dài khoảng 57m; cầu kênh Tiền Hoàng dài khoảng 57m; cầu vượt ĐT 481B dài khoảng 66m; cầu Khánh Trung dài khoảng 57m. Ba cầu vượt ngang bao gồm cầu vượt ĐT 483B, bề rộng cầu là 12m, dài khoảng 179m; cầu vượt trục PTKT xã Yên Hưng, rộng 7,5m, dài khoảng 179m; cầu vượt ĐH 53 rộng 7,5m, dài 177m.
Bên cạnh đó, ba nút giao được xây dựng trên tuyến bao gồm nút giao Khánh Dương, tuyến cao tốc CT 08 giao ĐT 483B tại Km5+450, cách nút giao Mai Sơn 5,45 km, cách nút giao QL 10 khoảng 10,45 km, vị trí giao nằm trong phạm vi ảnh hưởng của các đô thị lớn (đô thị Ninh Bình và đô thị Tam Điệp) và các khu công nghiệp quan trọng của tỉnh (KCN Yên Bình, cụm công nghiệp Khánh Thượng). Hình thức nút giao dự kiến là nút giao bán hoa thị, với cầu vượt trên đường ngang vượt cao tốc. Các nhánh tách nhập vào cao tốc hai bên được kết nối giao bằng với ĐT 483B.
Nút giao Khánh Nhạc (giao QL 10) tại Km15+950, cách nút giao Mai Sơn 16 km, cách nút Kim Sơn khoảng 10 km. Hình thức nút giao dự kiến là nút giao hình thoi, với cầu vượt trên tuyến cao tốc vượt qua đường ngang, phía dưới là đảo tròn giao bằng giữa các nhánh nút giao với QL10 và đường tránh thị trấn Yên Ninh.
Nút giao Khánh Cường (giao đường Kim Sơn - Bái Đính) tại Km25+850, cách nút giao QL 10 khoảng 10 km. Hình thức nút giao dự kiến là út giao bán hoa thị, được cải tạo trên cơ sở các nhánh nút đã được đầu tư xây dựng trong dự án cầu vượt sông Đáy, bổ sung hai nhánh tách nhập vào cao tốc phía đầu tuyến, tăng bán kính rẽ, mở rộng quy mô các nhánh đảm bảo tiêu chuẩn nút giao cao tốc.
"Với tính chất, vai trò là đường liên vùng, việc đầu tư, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ trong khu vực, giữa các địa phương duyên hải Bắc Bộ. Góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nói riêng và cả nước nói chung", Sở Giao thông vận tải Ninh Bình khẳng định sự cần thiết của dự án.
Sau khi tuyến đường hình thành sẽ kết nối với các tuyến cao tốc như cao tốc Bắc Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến quốc lộ (quốc lộ 10, quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 37 mới), các trục phát triển kinh tế (đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành). Đồng thời, tuyến đường cao tốc qua Ninh Bình sẽ giúp kết nối với cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), các cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái.