Vì sao dịch viêm da nổi cục lây lan ở Nam Định?
VOV.VN - Bệnh viêm da nổi cục trên gia súc lần đầu xảy ra ở Việt Nam, có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau vì vậy nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới là rất lớn.
Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện lần đầu tiên tại tỉnh Nam Định từ ngày 7/1/2021 trên đàn gia súc của hộ chăn nuôi ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tiếp đó lan ra các huyện Giao Thủy và Vụ Bản. Là hộ có đàn bò bị bệnh viêm da nổi cục, bà Phạm Thị Hoa ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vẫn chưa biết nguyên nhân vì sao gia súc mắc bệnh.
"Không hiểu làm sao, tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại mà vẫn bị, may mà bò không chết. Gia đình cũng phải hỏi cán bộ thú y vì sao lại xuất hiện bệnh thì họ trả lời đây là bệnh mới, thú y xã cũng phải báo lên cấp trên để xem xét có cách xử lý. Chúng tôi mong bệnh mới cũng phải thông báo cho mọi người để biết cách phòng chống, giảm thiệt hại cho kinh tế các hộ chăn nuôi"- bà Hoa cho hay.
Tương tự như gia đình bà Hoa, 2 con bò của gia đình ông Đoàn Trường Phương, ở xã Nam Hùng cũng mắc bệnh viêm da nổi cục chỉ sau khoảng nửa tháng dịch xảy ra trên địa bàn huyện Nam Trực.
"Không biết là bệnh gì, khi báo thú y đến thì bảo là bệnh viêm da nổi cục, biểu hiện gia súc sốt vả bỏ ăn, trên da nổi nốt sần, tiêm liên tục 20 ngày mấy mấy triệu tiền thuốc"- ông Phương nói.
Sau khi nhận được thông báo của các hộ chăn nuôi, chính quyền các địa phương đã phối hợp với cán bộ thú y khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại. Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương hướng dẫn người dân sớm nhận biết các dấu hiệu của bệnh. Ông Phạm Văn Hạnh, Trưởng thú y xã Nam Hùng, huyện Nam Trực cho rằng, thời gian trước và sau Tết nguyên đán, việc buôn bán vận chuyển động vật tăng cao nên khó xác định được nguồn lây.
"Nguyên nhân gia súc mắc bệnh về nguồn gốc khi tiếp xúc và tìm hiểu chỉ biết người ta mua qua thương lái còn khi điều tra thương lái mua từ đâu thì rất khó, vì cần xác minh lại. Chúng tôi cũng xác minh lại nhưng không được vì thương lái họ chỉ mua về 2 hay 3 ngày sau đó lại chuyển cho các hộ nuôi, hộ này chuyển cho hộ kia nên rất khó xác định được nguồn gốc"- ông Phạm Văn Hạnh cho biết.
Còn ông Vũ Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nam Trực cho biết, đến nay vẫn chưa phát hiện thêm các ổ dịch mới, tuy nhiên, dịch còn tiếp tục lây lan nữa hay không thì chưa thể lường hết được. Trước mắt, yêu cầu các hộ dân thực hiện nghiêm nuôi nhốt cách ly triệt để gia súc mắc bệnh. Đồng thời giám sát tổng đàn gia súc, không được vận chuyển trâu bò ra khỏi vùng dịch.
"Nguyên nhân thì cũng chưa rõ nhưng sau khi xảy ra dịch, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương quản lý tốt tổng đàn và vận chuyển biến động của đàn trâu bò như nhập và xuất để tiêu thụ. Vừa qua có lễ hội chợ Viềng nhưng do dịch nên không tổ chức vì vậy không có lưu thông trâu bò, đây cũng có thể là nguyên nhân có thể lây truyền qua đường lưu thông hàng hóa, công tác vận chuyển"- ông Vũ Văn Thắng cho biết.
Nhận định về diễn biến dịch viêm da nổi cục trên gia súc tại địa phương, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho rằng, nguyên nhân dịch xuất hiện và lây lan rất khó xác định, bởi nếu do côn trùng trích hút máu thì dịch sẽ lây sang cả đàn bò chứ không nhỏ lẻ như hiện nay.
"Hiện nay khi phát hiện hộ nào có hiện tượng trâu bò bị viêm da nổi cục, chúng tôi cũng triển khai các biện pháp cho tiêu diệt ve, côn trùng, phun thuốc sát trùng, yêu cầu không chăn thả và phải nuôi nhốt. Thế nhưng việc diệt côn trùng chích hút cũng không thể diệt một cách triệt để. Hiện tại mới chỉ xác định là nguyên nhân như vậy còn lại những nguyên nhân nào nữa thì chưa xác định được"- bà Hoàng Thị Tố Nga cho biết.
Thực tế ngăn chặn dịch tại tỉnh Nam Định cho thấy, trong khi chưa có vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục để tiêm phòng đàn gia súc, việc cấp bách nhất hiện nay là Nam Định cần phát hiện sớm các nguồn lây lan dịch bệnh; Xử lý nghiêm các hành vi, trường hợp giấu dịch, không khai báo dẫn đến dịch bệnh lan rộng, tránh gây thiệt hại kinh tế cho người dân./.