Vì sao ngày càng nhiều cơn bão "quái thú"?
Chúng ta đang tiến bộ hơn trong việc dự đoán những cơn bão "quái thú", nhưng vẫn khó dự đoán đủ sớm để chuẩn bị ứng phó.
Khi các vệ tinh bắt đầu phát đi hình ảnh của bão Lee - một cơn bão lớn hiện đang di chuyển trên Đại Tây Dương - các nhà khí tượng học biết rằng họ sẽ nhìn thấy một cơn bão "quái thú”.
Gió bùng nổ là đặc trưng đầu tiên của cơn bão
Trong năm 2023, bão Lee là cơn bão thứ ba gia tăng sức mạnh chưa từng được ghi nhận. Chỉ trong ngày 7/9, tốc độ gió bên trong Lee tăng hơn gấp đôi, nâng nó từ cơn bão cấp 1 với tốc độ 129km/h lên cơn bão cấp 5 với tốc độ 266km/h.
Những kiểu gió tăng bùng nổ này đang trở nên phổ biến hơn ở một số khu vực.
Các nhà khoa học đều đồng thuận là Trái đất đang nóng lên và sẽ tạo ra nhiều bão Lee hơn. Đó là những cơn bão "quái thú" có khả năng tăng gấp đôi sức mạnh, trước khi chúng tấn công các cộng đồng dân cư dọc bờ biển.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 trên tạp chí Nature cho thấy trong phạm vi 402km bờ biển Đại Tây Dương, số lượng các cơn bão mạnh lên nhanh chóng nhiều hơn đáng kể so với 40 năm trước và ngày một phổ biến.
Các ví dụ bao gồm bão Ian năm 2022 và bão Michael năm 2018 - đã chuyển từ bão cấp 2 lên cấp 5 chỉ trong một ngày trước khi đổ bộ vào Florida. Nó đã cướp đi sinh mạng của biết bao người và gây thiệt hại 25 tỉ USD. Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất của các nhà khí tượng học.
Công thức của một cơn bão
Sự phát triển của bất kỳ cơn bão nào đều phụ thuộc vào điều kiện môi trường phù hợp. Nếu nước trong đại dương bên dưới cơn bão đủ ấm, khi bốc hơi nó sẽ giải phóng một lượng lớn năng lượng, từ đó gây sự sụt giảm áp suất không khí và tạo ra những cơn gió mạnh.
Nhưng điều gì tạo nên sự khác biệt giữa một cơn bão mạnh tiệm tiến và một cơn bão mạnh lên nhanh chóng?
Brian Tang, một nhà khoa học khí quyển từ Đại học Albany (Mỹ), cho biết: các yếu tố liên quan tới môi trường chỉ cần phát triển đồng thời sẽ kích hoạt gió tăng trưởng nhanh chóng.
Ngay trước khi cơn bão Lee bùng nổ sức mạnh đột ngột, ông Tang có linh cảm mọi thứ sắp leo thang nhờ những hình ảnh về khối tinh thể băng và nước mưa xoáy trong cơn bão.
Các mô hình như Hệ thống Dự báo và Phân tích bão (HAFS) tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA) thực sự cũng đã dự đoán cường độ tăng nhanh chóng của cơn bão này trước khoảng 24 giờ.
Các phép đo chi tiết hơn cũng đang giúp ích cho các nhà dự báo. Lấy cơn bão Michael năm 2018 làm ví dụ, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy dữ liệu vệ tinh và số liệu đo được từ các phao ở vịnh Mexico cho thấy một đợt nắng nóng trên biển đang diễn ra trong quá trình bão tiếp cận.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu sử dụng ngày càng nhiều máy bay không người lái bay vào phần thấp hơn và nguy hiểm nhất của cơn bão, được gọi là lớp ranh giới, để thu thập thông tin hữu ích về cường độ của bão.
Ruby Leung, một nhà khoa học khí quyển tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương của Bộ Năng lượng Mỹ, chỉ ra ảnh hưởng của đại dương đối với các cơn bão nhiệt đới có thể rất phức tạp.
Ví dụ, nếu có nhiều nước ngọt chảy từ sông vào đại dương tạo một lớp nước ấm phía trên lớp nước đặc hơn, mặn hơn bên dưới, điều này có thể khiến bão tiếp tục mạnh lên.
Nói chung, bão có xu hướng tạo ra nhiều mưa hơn khi nhiệt độ không khí tăng lên, làm tăng khả năng giúp cường độ bão mạnh lên, cô Leung cho biết thêm.
Hiểu được các sắc thái môi trường này sẽ rất quan trọng, giúp các nhà khoa học dự đoán trước tốt hơn về những cơn bão đang ngày càng nguy hiểm.