Vì sao người dân Bến Tre phản ứng dự án xây trạm nghiền xi măng?
VOV.VN - Trước khi đưa vào hoạt động, trạm nghiền xi măng phải hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, có biện pháp xử lý nguồn nước thải, khói bụi
Thời gian gần đây, có nhiều hộ dân ở xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phản ứng gay gắt khi biết thông tin tỉnh Bến Tre cho nhà đầu tư xây dựng Dự án” Trạm nghiền xi măng” tại địa phương này. Người dân cho rằng dự án này hoạt động sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe cộng đồng nên quyết tâm phản đối chủ trương trên.
Người dân lo ngại trạm nghiền xi măng tại đây sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho công ty cổ phần đầu tư và thương mại DIC (Dic- Intraco) có địa chỉ tại Quận 3, TP HCM, để đầu tư xây dựng dự án “Trạm nghiền xi măng” tại ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại.
Dự án này thực hiện trên diện tích gần 2,5 ha, gồm khu đất công do UBND tỉnh Bến Tre quản lý và đất sang nhượng của các hộ dân khác. Trạm nghiền xi măng này có mục tiêu là xuất xi măng, vôi và thạch cao với vốn đầu tư dự án là 300 tỉ đồng, thời gian thực hiện 50 năm. Công suất thiết kế của trạm là 1 triệu tấn xi măng/năm. Dù chưa xây dựng nhưng nhiều hộ dân địa phương này cho rằng, trạm nghiền xi măng hoạt động nơi đây sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm náo loạn cuộc sống của vùng quê này.
Bà Nguyễn Thị Nâu, người dân xã Lộc Thuận nói: “Tôi thấy không được, ở đây nguồn sống của bà con là trồng dừa và đi làm thuê. Nếu Nhà nước đem nhà máy về đây không tiện. Giải quyết việc làm ăn hàng ngày, ô nhiễm, phủ bụi lên nguồn sống của dân”.
Còn ông Bùi Quốc Hùng, ở xã Lộc Thuận còn lo xa sức khỏe con cháu sau này cũng bị ảnh hưởng do nước thải, khói bụi của trạm nghiền xi măng: “Người dân ở đây sống nhờ vườn dừa, nhà máy xi măng gây ô nhiễm môi trường sau này khói bụi ô nhiễm qua dừa mình sống bằng cái gì.
Tôi không biết sau, chỉ thấy mấy chỗ kia người ta phản ánh quá nên lo sợ vậy thôi. Mai mốt bị ô nhiễm bà con tôi sống sao bây giờ. Tôi nghĩ, vùng nông thôn này sống bằng cây dừa đem nhà máy dừa về hợp lý hơn”.
Theo UBND xã Lộc Thuận, trước e ngại mặt trái của dự án Trạm nghiền xi măng, chủ đầu tư đã tạo điều kiện đưa đoàn cán bộ xã, huyện, tỉnh và đại diện người dân địa phương đến tỉnh Quảng Bình để khảo sát nhà máy xi măng của công ty cổ phần đầu tư và thương mại DIC.
Qua chuyến khảo sát này, đoàn cán bộ và nhân dân xã đã yên tâm về quy trình, kỹ thuật sản xuất xi măng tại đây không có biểu hiện gì gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, trạm nghiền xi măng tại xã Lộc Thuận chỉ là nghiền clanhke nát ra thành xi măng để cung cấp cho các địa phương miền Tây là giai đoạn 2 nên rất hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, không ít người dân địa phương vẫn chưa hiểu rõ và cứ phản đối dự án xây dựng trạm xi măng.
Khu đất công tại xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai dự á Trạm nghiền xi măng. |
Bà Lê Thị Kim Dung, Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại nói: “Nói chung địa phương ra ngoài đó thấy thực tế nhà máy hoạt động rất ổn. Hoạt động theo quy trình khép kín, không có tiếng ồn gì luôn.Nhà máy đối với địa phương tạo công ăn việc làm và giúp phát triển kinh tế địa phương. Tôi không biết nói làm sao nhưng theo chủ trương ở trên nếu cho đầu tư thì đầu tư, còn nếu không thì ở trên quyết định”.
Theo UBND huyện Bình Đại, Dự án nhà máy xi măng đang trong giai đoạn mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai các bước tiếp theo. Trước khi đưa vào hoạt động, trạm nghiền xi măng phải hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, có biện pháp xử lý nguồn nước thải, khói bụi, tiếng ồn(nếu có). Hiện tại, các ngành chức năng, tỉnh huyện tiếp tục lấy ý kiến của tập thể nhân dân khu vực xung quanh. Nếu số đông bà con không đồng thuận thì sẽ dừng dự án.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết thêm: “Bây giờ làm theo quy trình, lấy tham vấn cộng đồng. Nếu xã hội không đồng tình theo quy định thì không làm”.
Huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre là vùng xa, đất thường xuyên nhiễm mặn nên được doanh nghiệp đến đầu tư phát triển công nghiệp là điều mà chính quyền địa phương rất phấn khởi, nhất là tạo việc làm cho thanh niên lao động.
Trong khi đó, việc triển khai xây dựng Trạm nghiền xi măng của công ty cổ phần đầu tư và thương mại DIC đến nay là theo đúng Luật Đầu tư, được chấp thuận của UBND tỉnh Bến Tre. Song, nhiều người dân địa phương chưa có nhiều thông tin về hoạt hoạt động sản xuất sản phẩm này, đã lo ngại trước việc ô nhiễm môi trường có thể xảy ra khi trạm nghiền xi măng hoạt động.
Do đó, để tháo gỡ vấn đề này, ngoài công tác tuyên truyền, giải thích của chính quyền, đoàn thể địa phương để người dân đồng thuận, phía nhà đầu tư phải hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, có phương án cần thiết, khả thi để trong quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe, cuộc sống của người dân địa phương./. Lượng xi măng của Việt Nam dư thừa khoảng 25 triệu tấn năm 2016