Vì sao nhiều con đường mới tại TP.HCM lần đầu bị ngập?
VOV.VN - Tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình KT – XH TP.HCM chiều 10/10, đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) đã lý giải vì sao nhiều con đường mới, không thuộc danh mục tuyến đường ngập giai đoạn 2021 – 2025 lại bị ngập sâu vào cơn mưa chiều 8/10 vừa qua.
Theo ông Đỗ Tấn Long, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, ngày 8/10 trên địa bàn thành phố xảy ra mưa vừa đến mưa to chủ yếu tập trung tại một số khu vực như: quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình,...
Thời điểm mưa bắt đầu từ 13h55, cao điểm từ 14h30 đến 15h30, sau đó lượng mưa giảm dần và kết thúc lúc 18h45.
Vũ lượng mưa lớn nhất đo được từ các trạm đạt đến 116mm, đỉnh triều trên sông Sài Gòn đo tại trạm Phú An (theo cao độ quốc gia) là +1.36m lúc 20h00.
Về tình hình ngập nước, có 10 tuyến ngập, trong đó ngập tức thời, nước rút dưới 30 phút sau khi mưa có 5 tuyến là Trường Sơn (quận Tân Bình), Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Bình Quới (quận Bình Thạnh).
Ngoài ra, có 5 tuyến khác tại quận Bình Thạnh bị ngập từ 0,15 – 0,25m, với thời gian ngập kéo dài từ 75 – 165 phút gồm D5, Ung Văn Khiêm (đoạn Tân Cảng), Ung Văn Khiêm (đoạn Đài Liệt sỹ - Nguyễn Gia Trí), Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Gia Trí.
Theo ông Đỗ Tấn Long, nguyên nhân chủ yếu là do cường độ mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn; Hệ thống cống cũ, được đầu tư từ lâu, không đồng bộ; Lượng rác thải trôi che lấp bít miệng thu, hạn chế khả năng thu nước vào hệ thống cống nên nước chảy tràn trên mặt đường; Cao trình mặt đường bị trũng thấp cục bộ so với địa hình các tuyến đường lân cận, lượng nước chảy tràn mặt đường tập trung về vị trí trũng gây ngập cục bộ; nhà dân xây dựng bên trên rạch; bồi lắng nhiều…
Lý giải về việc xuất hiện các tuyến đường rất ít khi ngập nước, không thuộc danh mục tuyến đường ngập thuộc giai đoạn 2021-2025 là Nguyễn Gia Trí, D5 lại bị ngập sâu trong trận mưa ngày 8/10, ông Đỗ Tấn Long cho biết, trước 2008, hai con đường trên thường xuyên bị ngập nước mỗi khi mưa lớn.
Sau khi được nâng cấp, cải tạo phần mặt đường cùng với việc hoàn thành Dự án cống Kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè và cống Kiểm soát triều Bình Lợi - Bình Triệu - Rạch Lăng thì tình hình ngập nước tại 2 tuyến này đã không còn xuất hiện, mặc dù hệ thống cống chưa được đầu tư, nâng cấp.
Ông Long phân tích, các cống được thiết kế chịu được 85mm trong 3 giờ, cao trình triều +1,32, nhưng cơn mưa chiều 8/10 đạt vũ lượng 116mm và cao điểm mưa chỉ trong 1 giờ kết hợp triều cường đã vượt khả năng thiết kế của hệ thống cống hiện hữu gây quá tải và tình hình ngập xuất hiện
"Tần suất thiết kế cống 85mm trong 3 giờ thì 5 năm mới xuất hiện một trận mưa như thế. Mà cơn mưa chiều 8/10 còn vượt hơn nữa nên chắc chắn sẽ ngập", ông Đỗ Tấn Long cho biết.