Vì sao tạm dừng tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc tại 44 quận, huyện?
VOV.VN -44 quận, huyện, thị xã tạm dừng không tham gia vào đợt tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS trong năm 2016.
Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố thông báo việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài) năm 2016.
Theo đó, Bộ LĐTBXH khẳng định tạm dừng lao động trong năm 2016 đối với 44 quận, huyện, thành phố có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có tỷ lệ từ 35% và 60 người trở lên.
Trả lời báo chí ngày 17/8, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, đây là con số do phía Hàn Quốc đưa ra sau khi đã được thương thảo từ 90 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, những lao động trung thành, gắn bó với chủ sử dụng lao động, tuân thủ luật pháp, phía Hàn Quốc vẫn tiếp nhận, cho dù họ thuộc những địa phương này.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp |
PV: Thưa Thứ trưởng, lý do nào để Bộ LĐTBXH đưa ra thông báo tạm dừng lao động sang Hàn Quốc đối với 44 quận, huyện, thị xã trong năm nay?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Bộ LĐTBXH đã thông báo 44 quận, huyện, thị xã tạm dừng không tham gia vào đợt tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS trong năm 2016. Từ năm 2012, phía Hàn Quốc chấm dứt, không thi để xét tuyển lao động Việt Nam theo chương trình EPS, với lý do tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại nước này quá cao, tới mức 55%. Lúc đó, Hàn Quốc đóng cửa lao động đối với 63 tỉnh thành phố của Việt Nam.
Với nỗ lực đàm phán giữa Bộ LĐTBXH và Bộ Lao động – Việc làm Hàn Quốc, tháng 5/2016, hai bên đã ký kết lại Thỏa thuận bình thường đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Trong Thỏa thuận đó, phía Hàn Quốc yêu cầu ta có những giải pháp để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, đặc biệt là hạn chế những địa phương nào có nhiều lao động có tỷ lệ cao đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đây là yêu cầu tiên quyết của Hàn Quốc, nếu không vẫn tiếp tục đóng cửa.
Chúng tôi đồng ý với phía Hàn Quốc tạm dừng ở một số địa phương có số lượng, cũng như tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao. Đây là việc nên làm. Bản thân Chính phủ Việt Nam cũng không hề mong muốn lao động chúng ta vi phạm luật pháp. Thời hạn hợp đồng là 3 năm, lại cư trú bất hợp pháp, rõ ràng vi phạm luật pháp Việt Nam, cả của nước tiếp nhận và làm xấu đi hình ảnh của nước phái cử lao động.
Hàn Quốc hiện nay có 16 nước phái cử lao động tới làm việc. Tỷ lệ bỏ trốn trung bình là 8 – 9%, nhiều nhất 15 – 16%; trong khi lao động của chúng ta có lúc lên tới 55%. Điều này không thể chấp nhận được.
Danh sách 44 quận, huyện bị tạm dừng tuyển dụng lao động |
Danh sách 44 quận, huyện, thị xã không phải đơn phương từ phía Bộ LĐTBXH đặt ra. Ban đầu, phía Hàn Quốc đề nghị khoảng 90 quận, huyện, thị xã có số lượng lao động bỏ trốn cao. Sau khi rà soát lại, chúng tôi thấy có 39 đơn vị. Một số huyện của 4 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường là không bị hạn chế. Phía Hàn Quốc có yêu cầu đợt thi vào tháng 10/2016 vào làm việc tại các nhà máy, công xưởng vẫn phải đưa vào danh sách hạn chế, nâng con số lên 44 quận, huyện.
Việt Nam đồng ý thì tổ chức thi và tiếp nhận lao động Việt Nam, không đồng ý thì thôi không thi, không tiếp nhận. Đây là quyền của phía tiếp nhận chứ không phải chúng ta ép họ. Tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc tại một số địa phương
PV: Điều này có gây thiệt thòi đối với những lao động thiện chí muốn đi xuất khẩu sang Hàn Quốc ở những địa phương bị hạn chế không, thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Chúng tôi rất chia sẻ với lao động thuộc 44 quận, huyện, thị xã lần này chưa có cơ hội tham gia. Đây là ý chí của bên tiếp nhận. Chúng tôi luôn mong muốn tất cả lao động tham gia được.
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cũng đồng ý với chúng tôi là những lao động nào trở về nước đúng thời hạn, nằm trong các huyện bị tạm dừng vẫn được tham gia. Những lao động nào trung thành suốt những năm qua tại Hàn Quốc, gắn bó với chủ sử dụng lao động, tuân thủ luật pháp, họ vẫn tiếp nhận.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng 4.000 lao động đã đi Hàn Quốc. Đây là số lượng lao động trung thành, mẫu mực, nằm trong cả số quận, huyện bị hạn chế.
PV: Giải pháp tới đây là gì để những lao động ở 44 quận, huyện này có cơ hội đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Các lao động ở những địa phương bị tạm dừng nên chia sẻ với những người chưa được đi. Các địa phương cũng phải vào cuộc để vận động những người hết hợp đồng, bỏ trốn tại Hàn Quốc trở về. Các lao động và gia đình cũng phải có trách nhiệm trong việc này.
Cấn nhấn mạnh là năm nay tạm dừng đến ngày 31/12/2016. Sang năm 2017, phía Hàn Quốc cùng chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại. Những quận, huyện nào có tỷ lệ bỏ trốn từ 35% trở lên và từ 60 người cư trú bất hợp pháp trở lên thì tạm dừng. Tới đây theo lộ trình, có khi áp dụng với địa phương chỉ 30% trở lên và số lượng 40 người cư trú bất hợp pháp trở lên. Theo đó, danh sách sẽ dài ra, mặc dù chúng tôi không hề mong muốn và tạo cơ hội cho lao động.
Phía Hàn Quốc cũng nói rõ, nếu giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp, hạn ngạch sẽ được cấp nhiều hơn. Năm nay điều chỉnh tiếp nhận mới là 2.100 người, những lao động mẫu mực đi trong năm nay đã là gần 4.000. Nhưng số lượng đăng ký đã lên tới 40.000 người. Tỷ lệ “chọi” khá lớn, khó hơn thi đại học. Vì thế, người lao động nên cân nhắc, có thể tham gia các chương trình khác cũng rất tốt như đi Nhật Bản, Đài Loan.
Bên cạnh đó, đối với việc lạm thu ở các doanh nghiệp, Bộ LĐTBXH cũng đã tăng cường thanh kiểmư tra; nếu sai phạm sẽ xử lý, thậm chi sẽ đình chỉ, thu hồi giấy phép, từng bước làm lành mạnh hơn thị trường xuất khẩu lao động.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.