Vì sao UBND TP Hà Nội chưa đồng ý đề án lập 87 trạm thu phí vào nội đô?
VOV.VN - Theo UBND TP.Hà Nội, việc đánh giá, xem xét, phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp...
UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản trả lời Sở GTVT liên quan đến báo cáo của đơn vị này về phương án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Văn bản số 3863 do ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố ký nêu rõ: "Việc xem xét, phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện".
Theo đó, Sở GTVT Hà Nội được giao nghiên cứu làm rõ thời điểm áp dụng thu phí để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau; kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí là nguồn vốn trong hay ngoài ngân sách và cơ chế tài chính khi thu, nộp phí.
Sở GTVT Hà Nội cũng được yêu cầu nghiên cứu kỹ phạm vi áp dụng, đề xuất thí điểm theo từng bước, trước mắt là khu vực hẹp, trên cơ sở đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và mở rộng theo lộ trình; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị xã hội, sở ngành...
Trước đó, Sở GTVT cho biết, đang từng bước triển khai các nội dung của “Đề án Quản lý phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tháng 7/2017.
Vào cuối tháng 10/2021, Sở GTVT Hà Nội trình UBND thành phố đề án thu phí vào nội đô. Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT, nếu HĐND thành phố ban hành nghị quyết về thu phí xe vào nội đô tại kỳ họp cuối năm 2021, UBND thành phố sẽ xây dựng dự án đầu tư, phương án quản lý theo lộ trình; triển khai tích cực thì dự án có thể hoàn thành vào năm 2024.
Theo đề án, nhóm bị thu phí là ôtô từ bên ngoài vào trong khu vực nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ xe ưu tiên, xe công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa, ôtô vận tải hàng hóa...). Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm xe hộ gia đình, ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí; một số trường hợp sẽ được giảm phí, trong đó có xe hợp đồng, xe du lịch, taxi... Hiện đề án này được giao cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) và Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải - Đại học GTVT (TRANCONCEN) lập.
Hà Nội dự kiến đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Mức thu thấp nhất 50.000 đồng, cao nhất 100.000 đồng/lượt để bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, vận hành và đủ tác động điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông.
Phương án chỉ quy định thời gian thu phí với phương tiện trong khoảng thời gian từ 5 đến 21h; ngoài thời gian này sẽ không thu phí. Ngoài ra, trong khoảng thời gian trên, số phí được thu cao nhất chỉ vào giờ cao điểm sáng, chiều; cùng với đó, nếu chủ phương tiện lưu thông sớm (trước 5h hằng ngày) sẽ không mất phí.
TRANCONCEN và HPTC đã đưa ra 4 loại phương tiện phải trả phí khi đi vào nội đô, gồm: Ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, xe taxi, xe tải, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách tuyến cố định./.