Vì sao xe giường nằm dễ cháy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn?
VOV.VN -Trong xe giường nằm có vật liệu chống cháy như vách ngăn, nhưng trong khi sửa chữa, chủ xe thay thế vật liệu không đảm bảo nên khả năng bắt lửa cao.
Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát điều kiện an toàn của xe giường nằm trên toàn quốc, nhưng thời gian gần đây vẫn liên tục xảy ra những vụ cháy và tai nạn xe khách giường nằm. Đâu là nguyên nhân các xe khách giường nằm mất an toàn như vậy?
Thời gian gần đây, những vụ cháy xe khách giường nằm xảy ra ở Bình Thuận rồi Bà Rịa - Vũng Tàu và Kon Tum… Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn giao thông thảm khốc do xe giường nằm va chạm nhau và bốc cháy dữ dội tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ngày 22/5/2016 khiến 13 người chết, 39 người bị thương. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Cục Đăng kiểm rà soát điều kiện an toàn của xe giường nằm trên cả nước. Vậy, tại sao xe khách giường nằm lại mất an toàn đến thế?
Một trong 2 chiếc xe giường nằm bị cháy rụi trong vụ tai nạn ở Bình Thuận
|
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe ô tô. Trong đó, có lỗi kỹ thuật của phương tiện, nhiều chủ xe lắp thêm thiết bị điện không được kiểm soát như thùng đá, tivi, đầu đĩa, đầu karaoke...
Các thiết bị điện được lắp đặt thêm này không có trong thiết kế của xe, gây quá tải cho hệ thống điện. Việc sử dụng dây điện không chuyên dụng, mối nối không chặt chẽ cũng tiềm ẩn nguy cơ chập cháy. Trong xe có các vật liệu chống cháy như vách ngăn, nhưng trong quá trình sửa chữa, chủ xe đã thay thế vật liệu khác không đảm bảo chất lượng nên khả năng bắt lửa cao.
Cục Đăng kiểm đã chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm việc rà soát chỉ số an toàn của xe giường nằm trên toàn quốc. Ông Nguyễn Hữu Trí cho biết: “Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa cháy xe. Đó là kiểm tra việc các nhà xe lắp thêm phụ tải các thiết bị điện và các dây dẫn điện trên hệ thống nếu không đảm bảo thì hướng dẫn cho chủ xe, không đúng quy định thì yêu cầu chủ xe tháo để kiểm tra đúng thiết kế mới cấp chứng nhận an toàn cho xe tham gia giao thông”.
Ông Nguyễn Quý, Giám đốc điều hành Công ty Du lich Văn Minh, đơn vị có hơn 20 xe giường nằm đi tuyến Hà Nội – Nghệ An cho biết: Nguyên nhân cháy có thể do quá trình sử dụng xe liên tục trong thời gian dài khiến dây điện kém chất lượng dẫn đến chập điện gây cháy.
Cũng có thể do tác động bên ngoài với những va đập dẫn đến xây xát dây điện, tạo nguy cơ chập điện. Xe không được đăng kiểm, bảo dưỡng thường xuyên khiến các bộ phận như động cơ, phanh phát sinh nhiệt cao khi vận hành... Cùng với đó là nhiệt độ ngoài trời ở nhiều tỉnh miền Trung gần đây rất cao, khiến nhiệt độ vỏ xe ô tô có thể lên tới 60-70 độ C, làm tăng nguy cơ cháy nổ.
Ông Nguyễn Quý nói: “Sử dụng xe lâu quá, dẫn đến tình trạng dây dẫn kém chất lượng chấp cháy. Để đảm bảo kỹ thuật, tính an toàn thì người sử dụng phải thường xuyên phải kiểm tra, bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ. Những dây điện hoạt động ở gần máy thì sau một thời gian có thể phải thay toàn bộ dây đi.”
Các nước trên thế giới, không sử dụng xe khách giường nằm do độ ổn định của xe không cao. Tại Thái Lan, xe khách giường nằm chỉ được sử dụng trên một số cung đường cho phép, phải lắp thiết bị cảnh báo tốc độ và có quy định về tốc độ.
Kỹ sư Lê Văn Tạch phân tích: Xe giường nằm ít được sử dụng ở các nước do trọng tâm của xe cao dẫn đến tính ổn định kém, xe dễ bị lật khi đường xóc hay vào cua. Ở Việt Nam, việc quản lý xe giường nằm cũng chưa áp dụng các quy định chặt chẽ. Qua vụ tai nạn xe khách giường nằm thảm khốc trên quốc lộ 4D ở Sapa khiến 14 người chết và hơn 40 người bị thương trước đây đã có nhiều ý kiến đề nghị hạn chế xe khách giường nằm hoạt động trên các khu vực đường núi quanh co.
Về nguyên nhân cháy xe giường nằm trong thời gian qua, kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, bên cạnh nguyên nhân chủ quan là do chủ phương tiện thì nguyên nhân khách quan chính là do hệ thống điện của xe khi cải tạo xe ghế ngồi thành xe giường nằm, thiết kế hệ thống điện phải thay đổi lại.
“Ở Việt Nam, tỷ lệ hoán cải xe rất lớn, từ xe ghế ngồi sang xe giường nằm dẫn đến có sự thay đổi về thiết kế hệ thống điện, tải điện và nhiều chi tiết khác. Khi mà các hệ thống này lắp đặt vào rồi rất khó kiểm tra, kể cả đăng kiểm rất khó kiểm tra chất lượng của hệ thống điện khi lắp xong”- kỹ sư Lê Văn Tạch nói.
Những vụ cháy và tai nạn xe khách giường nằm thời gian gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ các xe giường nằm. Với các tuyến đường hẹp, đường cong, đường dốc, phải nghiên cứu xem có nên cho xe giường nằm lưu thông hay không vì khi gặp cua rất dễ xảy ra tai nạn. Ngoài ra, tốc độ tối đa của xe giường nằm, các thông số kỹ thuật cần thiết khi đăng kiểm xe khách giường nằm đã được hoán cải cũng cần được xem xét cẩn thận./.