Vỉa hè, lòng đường không được quản lý chặt, các tuyến phố kiểu mẫu “phá sản”

VOV.VN - Sau hơn nửa thập kỷ, mô hình đồng phục bảng biển hiệu, thiết lập văn minh trật tự đô thị kiểu mẫu, các tuyến phố như Đình Thôn, Lê Trọng Tấn ngày càng luộm thuộm, mất trật tự. Mục tiêu “kiểu mẫu” gần như bị phá sản khi vỉa hè và lòng đường bị xâm chiếm bởi các hoạt động kinh doanh và đỗ xe.

 

Một kết cục được cảnh báo trước và không gây ngạc nhiên bởi lối quản lý lỏng lẻo và thiếu tính thống nhất. Đây cũng là hiện trạng phổ biến của các tuyến phố trên toàn thành phố. Hà Nội cần bao nhiêu tuyến phố kiểu mẫu phá sản nữa để thay đổi cách nhìn về quản trị vỉa hè, lòng đường, quản trị đô thị?

Với kỳ vọng xây dựng bộ mặt đô thị hiện đại văn minh, 6 năm trước, phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) và Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm) được TP. Hà Nội lựa chọn để xây dựng thành những tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của thủ đô. Thế nhưng hiện nay, hai tuyến phố này gần như đã trở về trạng thái lộn xộn với nhiều biển, bảng quảng cáo sai quy định, chắn đường người đi bộ.

Toàn tuyến phố Lê Trọng Tấn trước đây được lắp biển hiệu xanh-đỏ viền trắng cho các cửa hàng, hộ kinh doanh thì tại thời điểm khảo sát 23/9/2022, rất khó để tìm thấy những bộ “đồng phục” này.

Anh Phạm Ngọc Huy, một chủ cửa hàng cho hay, đa số hộ kinh doanh đã tự thay biển hiệu khác theo nhu cầu riêng: “Triển khai lắp biển đấy cũng gần 10 năm rồi. Nhưng khách người ta vào rất khó nhận biết vì biển màu giống nhau mà kích cỡ lại giống nhau, khách người ta phản ánh rất nhiều là khó tìm. Có thương hiệu phải khác người ta nên không thể cái nào giống cái nào. Cả 1 phố giống nhau rất khó phân biệt”.

Đi dọc tuyến phố này, dễ dàng bắt gặp cảnh xe máy, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, ô tô lấn chiếm lòng đường bên cạnh những biển cấm vô hiệu. Có những đoạn, lòng đường bị nứt vỡ từ lâu cũng không được sửa chữa.

Một số người dân bức xúc: “Các hộ gia đình cho thuê cửa hàng  mỗi người làm một kiểu không thống nhất. Trách nhiệm của ai kiểm tra và thi hành việc này? Chắc cũng chẳng ai làm”.

“Ngày xưa là có một đường vạch để xe máy, lối đi bên ngoài cho người đi bộ. Bây giờ thì để thoải mái, biển hiệu nhiều chỗ chiếm dụng, không có chỗ, người đi bộ đành phải đi xuống lòng đường”.

Tương tự là tuyến phố kiểu mẫu Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm), vốn đã chật hẹp nay lại phải nhường chỗ cho những cây cột biển hiệu, tên quán... 200 chiếc cột sắt vốn được sử dụng tạo mỹ quan cho tuyến phố kiểu mẫu này giờ trở nên nhếch nhác và biến thành giá treo cho hàng trăm chiếc biển phụ.

Anh Nguyễn Văn Sang, một chủ cửa hàng ăn uống, than thở, tuyến phố kiểu mẫu giờ đây sau 6 năm đã chẳng khác gì những con phố thông thường: “Về mặt mỹ quan của TP thì mình thấy khá gọn gàng, còn mặt kinh tế, kinh doanh mình thấy khách đi sẽ phải ngước lên và nhìn thì hơi nguy hiểm cho việc tham gia giao thông. Như vậy cửa hàng sẽ phải lắp thêm biển phụ thì tốn thêm chi phí, kinh doanh thì ngày càng khó khăn hơn”.

Bày tỏ quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ý muốn của thành phố là rất tốt, nhưng dù sao đây vẫn chỉ là một biện pháp hành chính. Chủ trương này cần được xem xét tính phù hợp với thị trường và người chịu ảnh hưởng hay không, đặc biệt là với các biển bảng quảng cáo đã đăng ký bản quyền thương hiệu về kích cỡ, kiểu dáng độc quyền.

“Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để các quy định đi vào đời sống thực tế, nó phải làm cho tuyến phố đó đạt được tiêu chuẩn về an ninh an toàn nhưng đồng thời phải đạt được tiêu chuẩn về kinh doanh và hiệu quả. Trước mắt là về mặt kinh tế, các chi phí bỏ ra để xây dựng 2 tuyến phố kiểu mẫu này cũng không hề nhỏ. Nhưng thực tế để nói điều quan trọng là lòng tin của người dân kinh doanh vào chính quyền địa phương. Rõ ràng ở đây là điều cần phải lưu ý”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Ngọc Quang tỏ ra e ngại về sự tiếp diễn của việc lấn chiếm không gian vỉa hè và lòng đường tại các tuyến phố này. Chúng không thể là kiểu mẫu nếu sự tổ chức, sắp xếp chỉ phụ thuộc vào các đợt ra quân xử lý vi phạm trật tự.

Hà Nội cần rõ ràng, tách bạch việc giành lại các không gian công cộng, vừa phục vụ khách bộ hành, vừa phát triển phương tiện công cộng và đảm bảo mỹ quan đô thị.

“Trong các chính sách, Hà Nội luôn đề cao phát triển giao thông công cộng, nhưng đấy chỉ là trên giấy. Còn trên thực địa đường phố, chúng ta vẫn đang quá ưu ái cho ô tô. Không gian để giành cho xe buýt chạy không có, chỗ đó lại để dành cho việc đỗ ô tô. Đó là sự mâu thuẫn. Chính quyền Hà Nội cần có sự nhìn nhận rõ ràng, chiến lược cụ thể với các phương tiện”, ông Quang nhận định.

Các chuyên gia đều cho rằng, những tuyến phố sẽ không thể trở thành “kiểu mẫu” như chính quyền đô thị mong muốn, nếu thành phố chưa có cách tiếp cận về mặt chính sách đúng đắn với vỉa hè, lòng lề đường.


Kiểu mẫu theo phong trào

Nếu để chỉ ra một thước đo dễ hình dung về năng lực quản trị của chính quyền đô thị ở Hà Nội, nhiều người sẽ gọi tên mô hình thí điểm “tuyến phố kiểu mẫu”.

Suốt 6 năm qua, các tuyến phố này gắn liền với danh xưng mà thoạt nghe đã liên tưởng ngay đến bộ mặt đại diện cho văn minh trật tự đô thị của thành phố. Dù là thí điểm, nhưng rất khó để thông cảm cho sự hấp tấp, nếu không muốn gọi là cẩu thả, yếu kém năng lực của những người lập ra đề án thực hiện mô hình này.

Không cần đồng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng với các công trình xây dựng, cũng bỏ qua luôn quyền sở hữu trí tuệ về bản quyền biển quảng cáo, họ vẫn vội vã khoác lên các tuyến phố một bộ đồng phục khiên cưỡng và đầy tính hình thức.

Đến nay, dù Hà Nội chưa chính thức thừa nhận, nhưng mô hình kiểu mẫu đã “chết yểu” trong mắt đa số thị dân.

Doanh thu sụt giảm, thương hiệu khó nhận diện, các hộ kinh doanh quay trở lại với những biển quảng cáo phù hợp với thị hiếu khách hàng. Sau một thời gian giữ gìn kỷ cương đường thông hè thoáng, các lực lượng xao nhãng dần, để lại khoảng trống cho các hoạt động “ký sinh” trên vỉa hè, dưới lòng đường, tiêu biểu là hàng quán, điểm trông giữ xe trái phép.

Dường như, “kiểu mẫu” trong mắt những người lập kế hoạch chỉ là trang hoàng đường phố đi kèm các kế hoạch ra quân nửa vời.

Dường như, chính quyền đô thị vẫn đang loay hoay, cố gắng dung hòa các lợi ích kinh tế (từ những người kinh doanh, những người có trách nhiệm xử lý vi phạm-gọi chung là lợi ích nhóm), với lợi ích cộng đồng (người đi bộ, đi xe đạp, người yếu thế, người sử dụng phương tiện công cộng, khách du lịch).

Dường như, không gian công cộng vẫn chưa được nhìn nhận ở vai trò quan trọng bậc nhất trong việc thiết lập nên một đô thị kiểu mẫu. Chúng vẫn đang bị ứng xử trái với công năng, phải “chia năm xẻ bảy” cho lợi ích kinh tế.

Phá sản các tuyến phố kiểu mẫu không khiến người dân phải ồ lên bất ngờ.

Cũng như việc không quá bất ngờ khi chỉ một đoạn vỉa hè có tới 4 sở, ngành quản lý, 6 lực lượng xử lý vi phạm, nhưng chưa có một cán bộ nào bị kỷ luật vì để xảy ra tái lấn chiếm vỉa hè.

Không ngạc nhiên khi các cao điểm lập lại văn minh trật tự đô thị diễn ra hết năm này sang năm khác nhưng theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, hăng hái lúc đầu, sau đó nhếch nhác lại hoàn nhếch nhác.

Sẽ là hạ thấp danh từ “kiểu mẫu” nếu chỉ áp dụng vào kế hoạch này các biện pháp tình thế, thiếu đột phá, thiếu tầm nhìn.

Thay vì tìm cách chia nhau từng m2 vỉa hè, lòng đường, phân ra từng khung giờ cho các nhóm đối tượng khác nhau khai thác, trục lợi, chính quyền thành phố hoàn toàn có thể giành lại các không gian công cộng này, quản lý chặt và biến chúng trở thành một công cụ thúc đẩy các chính sách đang bế tắc khác.

Khi công sản không còn dễ dàng bị đem đi cho thuê theo dạng chỉ định thầu với giá rẻ mạt, sẽ hạn chế được lợi ích nhóm. 

Khi công sản không bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe, lượng xe khổng lồ không có chỗ đỗ sẽ là thị trường hấp dẫn buộc các nhà quản lý và các nhà đầu tư phải “vắt óc” để hình thành ngành công nghiệp đỗ xe đúng nghĩa.

Khi đường thông hè thoáng, người dân sẽ dần từ bỏ xe cá nhân, đến với phương tiện công cộng, thu hút thêm khách du lịch.

Số tiền vài chục tỷ đồng từ cho thuê vỉa hè, lòng đường hàng năm mà chính quyền Hà Nội thu không thể so sánh với những lợi ích hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng mà một đô thị kiểu mẫu đúng nghĩa có thể thu lợi được theo đúng tiềm năng của nó. 

Hà Nội có thực sự muốn bứt phá, tiến tới văn minh, trật tự đô thị với một nguồn ngân sách lành mạnh, dồi dào, bền vững? Hãy nhìn vào cách chính quyền đô thị quyết tâm thế nào trong việc giành lại vỉa hè bị chiếm dụng, hãy nhìn vào những mô hình kiểu mẫu mà họ đang làm.

Hà Nội muốn trở thành một một hình mẫu thực thụ, hay chỉ là kiểu mẫu… “phong trào”?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên