Cần tranh thủ nguồn hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng để đào tạo lại người lao động
VOV.VN - Những lao động phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương, lao động nghỉ việc luân phiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Giáo viên dục mầm non tư thực, lái xe giao thông vận tải …tại Thái Nguyên đã bắt đầu được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.
Sau 2 tháng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, 33 giáo viên mầm non, trong đó có cả những người đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi của trường mầm non quốc tế Hoa Trạng Nguyên, ở Thái Nguyên vui mừng được quay trở lại trường lớp với các bé ở lứa tuổi mầm non và càng phấn khởi hơn lúc này, khi được nhận tiền hỗ trợ do phải tạm nghỉ việc không hưởng lương bởi dịch Covid-19 từ Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Bà Hà Thị Tuyết, Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH giáo dục mầm non Hoa Trạng Nguyên cho biết, doanh nghiệp của bà có 4 trường mầm non, với trên 50 lớp và 1.200 trẻ. Do dịch Covid-19, 70% trong số 133 giáo viên, người lao động của công ty phải ngừng và giãn việc. Thu nhập trung bình của người lao động giảm từ 4,7 triệu đồng/người (năm 2020) xuống còn 2,3 triệu đồng/người (năm 2021). Trước mắt, được tỉnh Thái Nguyên quyết định hỗ trợ trên 130 triệu đồng cho 33 giáo viên thuộc diện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động phần nào giúp người lao động bớt khó khăn.
"Lúc thì đi học, lúc lại tạm dừng nên chúng tôi không có nguồn kinh phí để trả lương cho giáo viên. Cho nên phải làm thủ tục cho các giáo viên tạm hoãn hợp đồng lao động. Tiền đóng bảo hiểm xã hội của chúng tôi cũng không có. Nghi quyết 68 về, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và được làm thủ tục rất nhah và được ngay tiền hỗ trợ cho các cô giáo mầm non", bà Tuyết chia sẻ.
Cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Minh Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lan (TP Thái Nguyên) cho biết, sau gần 2 năm hoạt động cầm chừng, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến cho công ty rơi vào cảnh, nhà xe phải cắt giảm chuyến, bù lỗ và phải cho hơn một nửa số lao động nghỉ việc và chậm trả lương. Tới thời điểm này, 200/300 xe ô tô làm dịch vụ vận tải của công ty không hoạt động. Hơn 400 công nhân phải nghỉ việc trong tháng 7. Dự kiến thời gian này, công ty có kế hoạch vay hơn 3 tỷ đồng với lãi suất 0% theo chính sách của Nghị quyết 68 để phát triển sản xuất và trả lương cho 600 lao động. Nếu tính cả việc miễn đóng và chậm đóng bảo hiểm xã hội thì công ty này có thể nhận được hơn 10 tỷ đồng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, tỉnh Thái Nguyên đã giao các cơ quan, đơn vị rà soát, tổng hợp các đối tượng bị ảnh hưởng, xác định cụ thể thời gian hoàn thành hỗ trợ đợt một cho các nhóm đối tượng. Đồng thời tổ chức hội nghị liên ngành gồm các sở ngành liên quan để triển khai thực hiện.
Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ vay vốn trả lương cho 260 lao động để khôi phục sản xuất với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ 33 giáo viên mầm non thuộc diện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với số tiền hơn 130 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 164.000 người lao động…
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, các vướng mắc khó khăn hiện nay cũng không có nhiều, bởi gói hỗ trợ này là một chính sách rất thông thoáng của Chính phủ và rất dễ làm, triển khai thuận lợi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đến nay thì chúng tôi đã triển khai được đối với những đơn vị triển khai sớm, tức là đơn vị kê khai sớm rà soát sớm chúng tôi đã giải quyết. Ví dụ như Công ty cổ phần Hà Lan, rồi Trường Mầm non Hoa trạng nguyên và một số cơ quan, đơn vị nếu như các đối tượng làm sớm giải quyết ngay. Còn tất cả các nội dung sẽ được rà soát và thực hiện trong tháng 7 tháng 8 tới đây.
Chia sẻ với với doanh nghiệp và người lao động tỉnh Thái Nguyên gặp khó khăn do dịch Covid-19, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bên cạnh chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động và phát triển sản xuất, Nghị quyết 68 còn có nhiều chính sách hỗ trợ với tính ưu việt, thủ tục thông thoáng, như hỗ trợ một lần tới người lao động ngưng việc, giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất…Vì vậy, tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp và người lao động hiểu và được hưởng lợi từ chính sách, cần tranh thủ nguồn hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng để đào tạo lại người lao động trong lúc khó khăn.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý việc đào tạo lại lao động từ nguồn quỹ này vừa là cách giữ chân người lao động và nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc trong bối cảnh mới. "Việc đào tạo người lao động còn giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất và tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động và thiếu nhân lực khi tình hình phục hồi trở lại", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
"Các đơn vị mới nắm thông tin sơ qua, chưa đầy đủ. Ví dụ như trường mầm non thì mới chỉ thấy mỗi chuyện hỗ trợ cô giáo mầm non. Doanh nghiệp thì cũng chỉ mới biết được chuyện hỗ trợ vay tiền, họ chưa biết rằng có những chính sách khác. Do đó tôi đề nghị UBND tỉnh phổ biến thông tin, hướng dẫn kỹ hơn về triển khai chính sách", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH lưu ý.
Hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 không chỉ được xem là nguồn tiếp sức kịp thời để riêng Thái Nguyên giúp người lao động yên tâm làm việc, mà còn là giải pháp hữu hiệu để các địa phương khác trong cả nước có thể giữ chân người lao động trong bối cảnh mới, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất và tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động và thiếu nhân lực khi tình hình phục hồi trở lại./.