Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, kịch bản nào cho thị trường lao động thời gian tới?
VOV.VN - Dự báo, nếu dịch bệnh tại Hà Nội vẫn tiếp tục phức tạp, hàng ngàn lao động sẽ bị tác động trực tiếp. Đáng chú ý, ở kịch bản xấu nhất, con số lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh có thể lên tới 7.000-8.000 người hàng tháng.
Thông tin về thị trường lao động Hà Nội thời gian qua, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong tháng 7, khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Hà Nội đã tác động mạnh đến hầu hết người lao động và doanh nghiệp. Đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, lao động của các doanh nghiệp các ngành vận tải, dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong tháng 7 giảm nhẹ so với tháng 6 ở một số lĩnh vực như: Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ở một số ngành hàng không thiết yếu. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực như công nghệ, ngân hàng vẫn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng.
Trong tháng 7, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã tiếp nhận 6.380 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, có 7.822 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 181,1 tỷ đồng.
Ông Vũ Quang Thành cho biết, dù ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tăng ở một số nhóm ngành, song theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dịch bệnh bùng phát đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng bị giảm lương, tạm nghỉ, không có việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp.
Với Hà Nội, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động trên địa bàn thành phố.
Dự báo về kịch bản thị trường lao động thời gian tới của Hà Nội, ông Vũ Quang Thành cho biết có thể có 3 kịch bản chính:
Kịch bản 1 là dịch bệnh được khống chế, không bùng phát ca nhiễm mới trong cộng đồng, Hà Nội sớm kết thúc giãn cách xã hội và chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc tiêm vaccine tiếp tục được đẩy nhanh và tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Như vậy, một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch bệnh như vận tải, du lịch sẽ dần được phục hồi. Nhu cầu tuyển dụng lao động có những chuyển biến tích cực, hạn chế được tình trạng lao động bị mất việc, ngừng việc. Dự kiến số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ còn khoảng 3.000-4.000 người, dự kiến số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 12-15%.
Kịch bản 2 là Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội do còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, xuất hiện một số ca F0 mới, việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai nhanh chóng nhưng còn chậm, khiến tốc độ phục hồi của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng.
Dự báo số lao động bị tác động thuộc các ngành như: công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn, bán lẻ, vận tải, du lịch. Dự kiến số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ khoảng 5.000-6.000 người, dự kiến số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 20- 25%.
Kịch bản 3 là dịch bệnh chưa thể kiểm soát, số ca mắc ngoài cộng đồng ngày càng tăng và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường, quá trình tiêm vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung.
Tình thế này có thể khiến TP. Hà Nội tiếp tục phải giãn cách xã hội và áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn để phòng chống dịch, dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tạm dừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế.
Một số ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn như: thương mại, dịch vụ, bán lẻ, vận tải, nhà hàng- khách sạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Với kịch bản này, dự báo, thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Thất nghiệp gia tăng, số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao, dự kiến khoảng 7.000-8.000 người. Dự kiến số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 30 – 40%./.