Người lao động lần đầu xuất cảnh sang Nhật Bản theo visa "kỹ năng đặc định"
VOV.VN - Bản ghi nhớ hợp tác đưa lao động "kỹ năng đặc định" tại Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản được chính phủ 2 bên ký kết từ tháng 7/2019, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay những lao động Việt Nam đầu tiên mới chính thức được sang Nhật Bản theo visa đặc biệt này.
Chiều nay (27/4), tại Trung tâm đào tạo Nhật ngữ EK Mai Lĩnh (Hà Nội) đã diễn ra lễ xuất cảnh đầu tiên của các lao động Việt Nam trên cả nước theo chương trình "kỹ năng đặc định". Visa “kỹ năng đặc định” được áp dụng được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản với nhiều chế độ đãi ngộ tốt, mức lương cao hơn.
Chờ đợi sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, anh Bùi Văn Trung (37 tuổi, Đức Thọ, Hà Tĩnh) vui mừng khi có thể xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Từng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản từ năm 2014 với mức chi phí bỏ ra gần 5.000 USD, nhưng đến nay, khi đi theo diện "kỹ năng đặc định", anh Trung chỉ phải đầu tư một khoản chi phí rất nhỏ bởi nhiều khoản phí đã được miễn theo quy định.
“Khi biết đến chính sách mới này tôi rất vui, từng đi lao động tại Nhật Bản, đến khi về nước làm việc tại doanh nghiệp địa phương mức thu nhập cũng rất khó khăn, do đó tôi vẫn hy vọng có thể tìm được cơ hội để sang Nhật Bản làm việc. Với chính sách mới đi theo diện kỹ năng đặc định, mức lương sẽ cao hơn nhiều so với thực tập sinh thông thường. Tôi hy vọng sẽ làm việc tốt lại Nhật Bản trong vòng 5 năm để có thêm nhiều kinh nghiệm sau đó sẽ trở về Việt Nam để tự phát triển trên chính chuyên môn đã làm việc tại nước bạn”, anh Trung chia sẻ.
Theo anh Bùi Văn Trung, khi đi theo diện kỹ năng đặc định, người lao động sẽ cần đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn từ phía Nhật Bản, song có sẵn vốn tiếng Nhật cũng như từng có thời gian dài làm việc tại đất nước này, do đó anh có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình chuẩn bị.
Anh Trương Minh Tình, lao động sang Nhật Bản làm việc theo visa “kỹ năng đặc định” lĩnh vực xây dựng cũng vui mừng nói: “Sau hơn 2 năm ngưng trệ bởi dịch bệnh, hiện tại tôi đã vượt qua các bài kiểm tra và chính thức được xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Đi theo visa này, tôi có thể ở lại Nhật Bản làm việc trong 5 năm, thậm chí có cơ hội xin vĩnh trú lâu dài, mức lương cũng cao hơn rất nhiều so với diện thực tập sinh thông thường”.
Ông Nguyễn Thành Kính, Chủ tịch tập đoàn EK - đơn vị được cấp phép đưa lao động sang Nhật Bản theo diện "kỹ năng đặc định" cho rằng, so với các visa lao động thực tập sinh hiện hành vì visa kỹ năng đặc định mới phạm vi ngành nghề được phép rộng hơn và các yêu cầu bằng cấp, chuyên môn cũng được nới lỏng khá nhiều cho người lao động.
Nếu như trước đây, người lao động sang Nhật Bản với tư cách thực tập sinh kỹ năng đi học tập, nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ thuật trong các nhà máy tại Nhật thì visa "kỹ năng đặc định" là dành cho người lao động sang Nhật với tư cách đi lao động có thời hạn, làm việc trong các công ty, nhà máy tại Nhật.
Thời hạn hợp đồng của visa thực tập sinh từ 1-3 năm, thì đối với visa "kỹ năng đặc định" là 5 năm. Song, để đi theo visa mới này, người lao động cũng cần đáp ứng những yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm cũng như trình độ tiếng Nhật cao hơn thực tập sinh kỹ năng.
Đối tượng tham gia chương trình yêu cầu hoàn thành chương trình từ 1-3 năm trở về nước, hoặc ứng viên chưa từng sang Nhật nhưng phải có kinh nghiệm, chuyên môn và ngoại ngữ tiếng Nhật trình độ nhất định. Cụ thể, người lao động phải đạt kỳ thi đánh giá kỹ năng tay nghề do Chính phủ Nhật Bản tổ chức và năng lực tiếng Nhật đạt trình độ N4 trở lên.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bản ghi nhớ hợp tác về khung pháp lý cơ bản để thực hiện chương trình “lao động kỹ năng đặc định” giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản được ký trước đó nhằm tăng cường bảo hộ lao động "kỹ năng đặc định", tạo thuận lợi cho việc phái cử, tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của hai nước, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc lưu trú tại Nhật Bản của lao động kỹ năng đặc định đặc biệt là loại trừ các cơ quan trung gian xấu và các hoạt động trái pháp luật liên quan đến lao động kỹ năng đặc định, Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam đã ký với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế Lao động Phúc lợi xã hội và Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản bản MOC về chương trình lao động "kỹ năng đặc định".
Sau thời gian dài ngưng trệ do dịch bệnh Covid-19, đến nay hoạt động xuất khẩu lao động được đánh giá đang sôi động trở lại.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2022 đến ngày 15/3, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 2.026 người. Cụ thể, Nhật Bản tiếp nhận 451 lao động, Singapore là 363 lao động, Hàn Quốc là 325 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) có 248 lao động, Trung Quốc là 174 lao động, Hungary là 99 lao động...
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đã tuyển lao động theo các hợp đồng cung ứng lao động được đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước là hơn 80.000 người (Nhật Bản khoảng 60.000 người, Đài Loan khoảng 13.000 người và Hàn Quốc khoảng 7.000 người và một số thị trường khác); trong đó có khoảng 30.000 lao động đã làm xong thủ tục và đang chờ xuất cảnh.
Xu hướng tới đây, các thị trường cần nhiều lao động qua đào tạo, có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề. Người lao động đi làm việc có trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ sẽ có thu nhập cao, vị thế việc làm ổn định và ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Đặc biệt, ở một số thị trường lao động yêu cầu người lao động phải có bằng cấp, chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ để hạn chế nhận lao động phổ thông, trình độ thấp đến làm việc./.