Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

VOV.VN -PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca/năm vào năm 2030.

Ngày 14/08/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Phóng viên vừa có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế về một số nội dung liên quan đến Chiến lược này.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết tại sao cần ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Năm 2020 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam thực sự đối phó với dịch HIV/AIDS. Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt mục tiêu “3 giảm”, đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Theo tính toán của các chuyên gia, chúng ta đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS. Có được những thành tựu này là nhờ thực hiện tốt 2 Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cần thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Để đạt được mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS, phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030. Như vậy cần phải đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu to lớn này.

Bên cạnh đó, các giải pháp về phòng, chống HIV/AIDS cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp tình hình mới, trong đó có thay đổi về tình hình dịch HIV/AIDS, lây truyền HIV qua đường tình dục đang có diễn biến phức tạp, sự gia tăng nhanh nhiễm mới HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam, người chuyển giới, cũng như những tiến bộ của khoa học trong các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả dự phòng, xét nghiệm, điều trị và giám sát dịch HIV/AIDS.

PV: Những điểm mới của Chiến lược lần này là gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Chiến lược đưa ra mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Mục tiêu to lớn này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nói trên, đồng thời cũng là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS.

Chiến lược lần này có sự điều chỉnh, bổ sung các giải pháp mới phù hợp với tình hình mới, gồm: Đẩy mạnh các biện pháp giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; tăng cường các biện pháp điều trị nghiện ma túy trong can thiệp giảm hại; triển khai biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao (PrEP); bổ sung các loại hình xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV để tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV; mở rộng điều trị, điều trị ngay cho người nhiễm HIV, điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, điều trị đồng nhiễm lao, viêm gan, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS...

Đồng thời, bổ sung các biện pháp giám sát dịch HIV/AIDS dựa vào ca bệnh, theo dõi liên tục người nhiễm từ khi xét nghiệm chẩn đoán đến khi người nhiễm được điều trị ổn định và theo dõi đến khi một người tử vong (nếu xảy ra), xác định các trường hợp mới nhiễm HIV để đưa ra các đáp ứng y tế công cộng kịp thời. Các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường huy động nguồn lực trong nước, đặc biệt là vai trò của ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế.

PV: Liệu có khó khăn nào khi triển khai Chiến lược và hướng giải quyết, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Với mục tiêu Chiến lược đặt ra là “Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, có thể nói đây là mục tiêu khá tham vọng. Một số khó khăn chủ yếu trong quá trình triển khai Chiến lược là:

Thứ nhất là khó khăn về nhận thức. Thời gian gần đây đã có một số người, một số địa phương lơ là, chủ quan và cho rằng chúng ta đã kiểm soát tốt dịch HIV/AIDS nên không cần quá quan tâm hay đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS, trong khi các chuyên gia đều cảnh báo dịch HIV có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu chúng ta chủ quan, lơ là.

Thứ hai là tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, các hành vi, yếu tố nguy cơ ngày càng khó kiểm soát. Đến nay thế giới chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đường lây truyền HIV ở Việt Nam có sự chuyển dịch chủ yếu qua đường tình dục, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ, người chuyển giới nữ. Đây là những nhóm ẩn, khó tiếp cận nên việc kiểm soát dịch HIV trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn. Việt Nam hiện ước tính vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà họ chưa biết tình trạng nhiễm HIV của họ, họ có thể vẫn đang rất khỏe mạnh, chính vì vậy họ có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm HIV mới rất khó kiểm soát trong cộng đồng.

Thứ ba là nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. 30 năm qua chúng ta đã có sự hỗ trợ rất lớn về tài chính từ các tổ chức quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS. Giai đoạn tới, nguồn này cắt giảm mạnh. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ phụ thuộc chủ yếu ngân sách trong nước từ nguồn trung ương và địa phương. Với khoảng 250.000 người nhiễm HIV tại Việt Nam, nhu cầu các dịch vụ dự phòng để họ không lây truyền HIV ra cộng đồng, điều trị bằng thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV, chăm sóc hỗ trợ cho họ chắc chắn sẽ là một thách thức lớn không chỉ về chuyên môn mà cả vấn đề tài chính.

Trong Chiến lược cũng đã có các giải pháp mang tính kỹ thuât để vượt qua các khó khăn này như tăng cường truyền thông; đổi mới giám sát dịch; chính sách tài chính bền vững; tăng cường sự chủ động và đầu tư từ các nguồn ngân sách địa phương v.v… Chúng ta cũng có kinh nghiệm 30 năm đối phó với dịch HIV/AIDS mà cụ thể là các sáng kiến, thành tựu đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn thách thức và thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược đã đề ra.

Vâng, xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên