Việt Nam ghi nhận 3 trường hợp viêm màng não mô cầu
Trong đó 2 trường hợp tại phường Phú Mỹ, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh và 1 trường hợp tại Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng Hà Nội.
Ngày 18/1, tiến sỹ Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam cho biết Cục đã có thông báo từ ngày 20/12/2011 đến ngày 9/1/2012, tại Việt Nam đã ghi nhận 3 trường hợp viêm màng não mô cầu.
Cục trưởng cũng cảnh báo nguy cơ bệnh não mô cầu lây lan ra cộng đồng rất lớn.
Triệu chứng chính của bệnh là sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng, lơ mơ.
Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu.
Từ năm 2001-2011, Việt Nam trung bình ghi nhận 650 trường hợp mắc bệnh viêm màng não mô cầu mỗi năm, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.
Bệnh có xu hướng giảm từ năm 2006 đến nay (năm 2011 ghi nhận 305 trường hợp mắc và 4 trường hợp tử vong). Bệnh xảy ra chủ yếu vào mùa xuân.
Tiến sỹ Bình cũng cho biết, bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh do vi khuẩn gây nên tình trạng nhiễm trùng ở màng não, tổn thương ở não. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong khoảng từ 5-10%.
Cần điều trị sớm bệnh viêm màng não mô cầu bằng các nhóm kháng sinh như penicillin, ampicillin, chloramphenicol và ceftriaxone.
Tại các nước nhiệt đới, bệnh gia tăng khi thời tiết, khí hậu thay đổi. Bệnh lây lan tại những nơi tập trung đông người.
Vì vậy, vào những ngày trước và sau Tết nguyên đán mọi người cần chủ động phòng tránh và phát hiện sớm bệnh viêm màng não mô cầu để giảm thiểu số người mắc và tử vong, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Ngày 18/1, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp thông tin tình hình và biện pháp phòng chống bệnh não mô cầu trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Y tế, từ cuối tháng 12/2011 đến 16/1/2012, thành phố đã ghi nhận 4 trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh viêm não mô cầu (2 người là công nhân công ty Furukawa, thuộc khu chế xuất Tân Thuận, quận 7; 1 học sinh tại quận 9 và 1 bé nam 12 tháng tuổi, trú tại Bình Chánh).
Theo ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm này đúng thời điểm vào mùa của bệnh não mô cầu, vì vậy mỗi người cần ý thức trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân.
Trước tình hình bệnh đang có chiều hướng lan rộng ra cộng đồng, đặc biệt trong dịp Tết Nhâm Thìn, ông Giang khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh não mô cầu bằng cách rửa tay, súc họng bằng nước muối nhiều lần trong ngày. Đây là biện pháp không những phòng bệnh não mô cầu mà còn ngừa những bệnh lây truyền khác.
Ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cũng nhấn mạnh thêm cách phòng bệnh vẫn là giữ gìn môi trường sinh hoạt sạch sẽ, nếu nghi ngờ có bệnh như sốt cao, nhức đầu dữ dội, buồn nôn, nôn vọt… cần đi khám vàđiều trị kịp thời.
Giám đốc Sở Y tế thành phố, bác sỹ Phạm Việt Thanh đề nghị thành lập Ban chỉ đạo phòng bệnh não mô cầu. Ban chỉ đạo này sẽ gấp rút chuẩn bị định nghĩa các ca bệnh, phác đồ điều trị, đồng thời gửi công văn hướng dẫn cụ thể cách phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cần kiểm soát chặt chẽ ổdịch bệnh tại khu chế xuất ở quận 7, ngăn chặn dịch bệnh diễn biến phức tạp trong cộng đồng. Đối với các bệnh viện, cần chủ động phát hiện và điều trị các trường hợp nghi ngờ phát bệnh.
Cùng với bệnh não mô cầu, bác sỹ Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết ngày 10/1, tỉnh Kiên Giang đã gửi mẫu xét nghiệm của một bệnh nhân nam đến Viện do bệnh cúm.
Ngày 17/1, Viện Pasteur đã xác nhận kết quả bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1. Vì vậy, bác sỹ San cũng khuyến cáo trong những ngày Tết, người dân cần tích cực nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để phòng chống các loại dịch bệnh lây truyền./.