Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện tiên phong chấm dứt bệnh lao
VOV.VN - Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới BPaL đã được WHO khuyến cáo đạt kết quả điều trị tới 90%. Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu triển khai thí điểm sử dụng phác đồ này.
Trong khuôn khổ dự án Quỹ toàn cầu và dự án LIFT TB, sáng 7/4, Chương trình Chống lao Quốc gia và Hội Chống lao Hoàng gia Hà Lan phối hợp tổ chức Hội thảo triển khai nghiên cứu phác đồ BPaL, giới thiệu Dự án LIFT TB và tập huấn quản lý lâm sàng nghiên cứu phác đồ BPaL.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, trong nghiên cứu Nix-TB, Alliance đã tài trợ thử nghiệm phác đồ BPaL cho bệnh nhân lao siêu kháng thuốc (XDR-TB), hoặc không dung nạp hoặc thất bại với phác đồ điều trị lao đa kháng thuốc (MDR-TB). Phác đồ sử dụng các thuốc Bdq, Pa và Lzd điều trị kéo dài trong 6 tháng và có thể kéo dài thời gian điều trị đến 9 tháng.
Rút ngắn thời gian điều trị
Với phác đồ điều trị mới BPal, người mắc bệnh lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc sẽ được rút ngắn thời gian điều trị từ 18 tháng xuống chỉ còn 6 tháng. Hiệu quả điều trị đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo đạt kết quả tốt, tới 90%. Phác đồ này đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo triển khai trong Chương trình chống lao của nhiều quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao. Phác đồ điều trị lao kháng thuốc của chúng ta khá dài từ 18-20 tháng. Do đó, chúng ta cần một phác đồ điều trị khác, rút ngắn thời gian điều trị hơn. Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong trong điều trị bệnh nhân kháng thuốc nặng bằng phác đồ mới này, bảo đảm việc thí nghiệm phác đồ mới có lợi ích tối đa cho người bệnh và cộng đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu triển khai thí điểm theo dõi dọc sử dụng phác đồ điều trị BPaL. Mục tiêu chính của nghiên cứu là ước hiệu quả và mức độ an toàn của phác đồ BPaL trên bệnh nhân lao đa kháng thuốc (MDR-TB)/kháng rifampicin (RR-TB) có kháng thêm với nhóm fluoroquinolone (FQ) và bệnh nhân không dung nạp thuốc hoặc thất bại trong điều trị lao đa kháng thuốc (MDR-TB).
Nghiên cứu sẽ thu nhận 567 bệnh nhân trong thời gian 3 năm tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ. Việt Nam đang trong giai đoạn thu nhận bệnh nhân và tiến hành điều trị. Theo BS Nhung, đây là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 không có đối chứng với số lượng hơn 500 bệnh nhân, sẽ cung cấp bằng chứng cho việc quyết định triển khai mở rộng.
Theo PGS Nhung, những thách thức, vướng mắc hiện nay là những thông tư mới còn hết sức ngặt nghèo. Bên cạnh đó, các tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn của phác đồ mới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu về phác đồ điều trị mới, chỉ có 10% là có tác dụng phụ trung bình và chỉ 1% tác dụng phụ phản ứng nặng.
Theo dõi, giám sát bệnh nhân chặt chẽ trong nghiên cứu
PGS Nhung cũng cho rằng, trong điều kiện nghiên cứu hiện nay phải tuân thủ hết sức chặt chẽ việc theo dõi, giám sát bệnh nhân để bệnh nhân có thể tuân thủ 100% các liều lượng thuốc, nhịp độ thuốc là vô cùng quan trọng.
Theo phác đồ mới này, Chương trình Chống lao Quốc gia đề nghị sẽ điều trị ít nhất cho 100 bệnh nhân nội trú trong thời gian 1 tháng. Sau khi có kết quả, rút kinh nghiệm trong điều trị, chương trình sẽ có báo cáo với Bộ Y tế về việc thay đổi phác đồ điều trị mới.
“Thông qua nghiên cứu này, năng lực của Chương trình Chống lao Quốc gia được tăng cường trong việc triển khai thực hiện phác đồ BPaL. Kết quả của nghiên cứu sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc triển khai mở rộng phác đồ trên quy mô toàn quốc”- BS Nhung cho biết.
Bà Naoko Doi, đại diện TB Alliance cho rằng, chúng ta cần nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa, rút ngắn thời gian từ phê duyệt đến triển khai nghiên cứu để người bệnh nhanh chóng tiếp cận được phác đồ điều trị mới.
“Để đảm bảo điều trị thành công, cần đảm bảo có phác đồ điều trị và duy trì bền vững phác đồ điều trị đó. Để đảm bảo tỷ lệ điều trị thành công, các hoạt động phụ thuộc nhiều vào bối cảnh, đó là mỗi quốc gia phải tự tạo ra cơ sở bằng chứng từ phác đồ điều trị và quá trình điều trị của phác đồ điều trị mới. Đây là cơ sở để chúng ta có bằng chứng để đưa ra các số liệu bằng chứng và đưa ra các khuyến cáo để triển khai rộng rãi; Bên cạnh đó cần phải nâng cao năng lực trong các hoạt động áp dụng triển khai phác đồ điều trị mới tại các nơi thực hiện phác đồ điều trị và sau đó mở rộng phác đồ trên phạm vi toàn quốc”- bà Naoka Doi cho biết.
Dự án LIFT-TB (Leveraging Innovation for Faster Treatment of Tuberculosis) giai đoạn 2021-2023 với ngân sách của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn quốc (KOICA - Korea International Cooperation Agency) thông qua tổ chức của TB Alliance hỗ trợ triển khai thí điểm phác đồ BPaL tại 7 quốc gia trong đó có Việt Nam./.