Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế
Các dự án hợp tác của Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Việt Nam hoan nghênh các đối tác hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí ở vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông và cam kết bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên đối tác tại Việt Nam – Đó là khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đưa ra trong cuộc họp báo chiều 12/4 tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam sau tuyên bố của Trung Quốc gần đây yêu cầu Nga dừng khai thác dầu khí ở biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Các dự án hợp tác của Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở pháp luật Việt Nam. Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn tại Việt Nam”.
Liên quan đến vấn đề 21 ngư dân Việt Nam đang bị phía Trung Quốc bắt giữ, ông Lương Thanh Nghị một lần nữa khẳng định, Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng các lập trường mà Việt Nam đưa ra trước đó, trong đó có việc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá, nhằm tránh làm tổn hại đến quan hệ hai nước trong tương lai.
Cũng trong cuộc họp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh việc CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị kế hoạch phóng vệ tinh. Ông Lương Thanh Nghị cho biết, Việt Nam quan tâm và nhấn mạnh việc cần thiết phải tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Nghị quyết 1874 vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới./.