Việt Nam không thể thịnh vượng nếu mãi coi lao động giá rẻ là lợi thế
VOV.VN -Các chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần bỏ tư tưởng coi lao động giá rẻ là lợi thế, tập trung vào phát triển các ngành có giá trị cao.
Chiều nay (21/3), phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật bản tổ chức Hội thảo Tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các nghiên cứu được công bố chỉ rõ, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 7,2% năng suất lao động Singapore, 18,4% Malaysia, 36,2% Thái Lan, 43% Indonesia và bằng 55% Philippines.
Mức chênh lệch cho thấy những thách thức của nền kinh tế trong việc tăng năng suất lao động, từ đó tăng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Năng suất lao động Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. (Ảnh minh họa) |
“Tăng năng suất lao động cần đến từ tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, tư duy của lãnh đạo các cấp và của chính người lao động. Nhưng tại sao tư duy của Việt Nam lại chậm thay đổi như vậy? Tôi cho rằng, việc thay đổi môi trường, thể chế là điều quan trọng để tạo ra môi trường cạnh tranh, từ đó tăng năng suất lao động”.
Theo ông Tuấn, muốn tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế, Việt Nam cần thay đổi suy nghĩ coi lao động giá rẻ là một lợi thế. “Nếu lao động giá rẻ, thì đương nhiên thu nhập của người lao động thấp. Giống như câu chuyện của ngành Y, bác sỹ Việt Nam có thể mổ số ca gấp nhiều lần các bác sỹ nước ngoài. Tuy nhiên, giá trị làm ra của bác sỹ tại Việt Nam lại rất thấp, lý do là mức tiền công của bác sỹ thấp hơn các nước khác. Việt Nam nên chuyển dần suy nghĩ, không nên coi đây là lợi thế nữa. Việt Nam không thể thịnh vượng nếu lúc nào cũng nghĩ mình là lao động giá rẻ”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI). |
Lao động bị mắc kẹt, khó chuyển sang ngành có năng suất cao
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG HN cho hay, dù đo lường theo những cách thức khác nhau và ở các ngành khác nhau thì đều thấy năng suất lao động Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và còn cách rất xa các nước phát triển. Điều này bắt nguồn từ môi trường làm việc, điều kiện làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và nguồn vốn của Việt Nam còn thấp, tay nghề, kỹ năng của người lao động còn còn nhiều hạn chế.
“Những điều này lý giải vì sao thu nhập của người lao động vẫn còn thấp và thấp nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và khu vực châu Á nói chung”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, hiện nay thị trường Việt Nam còn một lượng rất lớn lao động giá rẻ không có kỹ năng. Nhóm đối tượng này nằm mắc kẹt ở khu vực nông thôn, những địa bàn nông nghiệp, nhưng lại không thể chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn. Nguyên nhân do ở các khu vực kinh tế có năng suất cao hơn như công nghiệp cũng không có sự cải thiện rõ rệt trong những năm qua. Hàng Việt Nam không có sự cạnh tranh lớn, khó mở rộng thị trường, do đó không thể tạo ra việc làm cho người lao động.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG HN. |
Cũng theo chuyên gia này, các con số nghiên cứu cho thấy năng suất lao động trong khu vực quốc doanh cao và có thể trong tương lai sẽ cao nhất trong cơ cấu nền kinh tế. Song điều này không hàm ý rằng người lao động ở khu vực Nhà nước làm việc hiệu quả hơn. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc các doanh nghiệp Nhà nước thường được ưu đãi lớn về vốn, công nghệ và đặc biệt là độc quyền về thị trường, do đó dễ dàng giải quyết đầu ra, trong khi sử dụng lượng nhỏ lao động.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân phải hấp thụ lượng lao động khổng tồ của toàn bộ nền kinh tế, phải tự túc về cơ sở hạ tầng, thị trường, vốn, kỹ thuật.
“Nếu muốn cải cách năng suất lao động của nền kinh tế, thì nên tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân. Giải pháp quy nhất trên diện rộng là cần tạo ra môi trường kinh doanh để họ có thể sản xuất với mức chi phí thấp nhất, hạn chế các rào cản, từ đó cải thiện khả năng tổ chức, sản xuất, tăng năng suất lao động hiệu quả”, ông Thành nhấn mạnh.
Viện trưởng viện VEPR cho rằng, bên cạnh những chính sách mở của của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần tự thân trang bị kiến thức để tăng năng suất./.
Nếu nền kinh tế dựa nhiều vào FDI, năng suất lao động sẽ giảm nhanh
Tăng tuổi nghỉ hưu có làm giảm năng suất lao động?