Việt Nam là hình mẫu trong xóa đói, giảm nghèo

Tại Hội nghị Rio+20, Việt Nam sẽ cho thế giới thấy những thành công trong xóa đói giảm nghèo.  

Ngày mai (20/6), Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc (LHQ) về phát triển Bền vững (Rio+20) sẽ khai mạc tại thành phố Rio De Janeiro (Brazil). Đây được coi là sự kiện quan trọng nhất trong thế kỷ 21 để đặt thế giới vào con đường phát triển bền vững và phổ quát, trong đó các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi được cân bằng.

Tại Hội nghị, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước sẽ đưa ra các cam kết định hình, phê chuẩn các khuôn khổ chính sách và chiến lược mới thúc đẩy thịnh vượng, giảm đói nghèo, tăng cường bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường, thiết lập các nguyên tắc phát triển bền vững và phổ quát toàn cầu.

Nhân sự kiện này, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam về những nội dung của Hội nghị quan trọng này.

PV: Thưa bà, tính từ Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất cũng diễn ra tại Rio De Janeiro năm 1992, thế giới đã đạt được những thành tựu gì về phát triển bền vững?

Bà Pratibha Mehta: Đến nay đã 20 năm kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất diễn ra, loài người đã đạt được rất nhiều tiến bộ. Một trong những thành tựu ấn tượng nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo. Kể từ năm 1992 đến nay, đã có một số lượng đáng kể người nghèo thoát khỏi ngưỡng đói nghèo, giảm từ 1,8 tỷ người xuống còn 1,4 tỷ người năm 2004. Con số này được dự báo sẽ còn giảm sâu hơn nữa vào năm 2015. Đây là một thành tựu thật sự ấn tượng của tất cả các quốc gia bởi trên phương diện toàn cầu, đã có rất nhiều người thoát khỏi đói nghèo.

Bà Pratibha Mehta

Trong thành công ấn tượng này, Việt Nam là một trong những quốc gia đã làm rất tốt công việc này. Nếu so sánh những tiến bộ mà Việt Nam đạt được với nhiều nước khác trên thế giới, số người thoát nghèo ở Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều lần.

Thành tựu thứ 2 là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông điện tử, truyền thông xã hội. Nó đã mở ra cánh cửa rất lớn với cả thế giới. Trước khi Hội nghị Rio +20 bắt đầu vào ngày 20/5, hàng triệu người đã tham gia vào các vòng đối thoại chuẩn bị cho Hội nghị. Điều đó chưa từng xuất hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất 1992. Những công dân toàn cầu đã tham dự vào việc thảo luận về thế giới mà họ muốn sống trong đó. Đó là một điều gì đó rất đặc biệt.

Những nhà tổ chức của Hội nghị Rio+20 đã quan sát những nguyện vọng của thế giới một cách cẩn thận. Họ lắng nghe những điều mà mọi công dân muốn nói cũng như những nội dung mà các chính phủ bàn thảo tại bàn Hội nghị liên quốc gia. 20 năm trước, chắc không ai có thể tưởng tượng được rằng mọi người có thể kết nối với nhau theo cách thức như thế này. Mọi công dân đều có thể tham gia vào việc hoạch định chính sách, đưa ra ý kiến của họ song song với những cuộc thảo luận mà các chính phủ đang tiến hành.

Tôi cho rằng, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin ở quy mô toàn cầu thực sự đã thay đổi cả thế giới. Chúng ta phải quan tâm xem quan điểm của các công dân là gì, đặc biệt là về một thế giới mà mọi người muốn sống trong đó. Và những nhà đàm phán sẽ phải tính tới những nguyện vọng này trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Đó là 2 hiện tượng đi cùng với một loạt những sự kiện do LHQ chủ trì về đa dạng sinh học hay biến đổi khí hậu. Những sự kiện này đã cung cấp một khuôn khổ cho các quốc gia đưa ra cam kết. Đã có rất nhiều hội nghị và thỏa thuận liên chính phủ tiếp nối Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất vào năm 1992. Đó là những khuôn khổ để các quốc gia cùng hợp tác, hành động cũng như đưa ra những cam kết để đảm bảo bảo vệ, gìn giữ môi trường.

PV: Có một thực tế là đã có rất nhiều thách thức nổi lên trong 20 năm qua, đe dọa những thành quả của chúng ta. Đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu. Vậy chúng ta có thể hy vọng gì vào Rio+20 sẽ giúp giải quyết những vấn đề này?

Bà Pratibha Mehta: Dĩ nhiên đó là những thách thức mà loài người đang phải đối mặt. Khủng hoảng kinh tế tài chính có nghĩa là chúng ta ngày càng có ít tiền hơn để đầu tư cho môi trường, nơi mà nhu cầu đang không ngừng tăng. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cần nhiều hơn những sự đổi mới, sáng tạo, cần nhiều hơn việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, cần nhiều hơn trách nhiệm trong hệ thống hành chính công, đầu tư công, cũng như xác định ưu tiên của đất nước. Điều đó đòi hỏi một khả năng quản trị mạnh hơn ở tầm quốc gia. Không còn nghi ngờ gì nữa, biến đổi khí hậu đang là một trong những ưu tiên cao nhất của thế giới.

20 năm trước đây, người ta còn đang tranh cãi về biến đổi khí hậu, nhưng giờ thì người ta không còn tranh cãi nữa. Thế giới đã nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề này khi chúng ta đã chuyển sang hành động. Trong vấn đề này, cuộc thảo luận đang là sự hợp tác Bắc - Nam, giữa các nước phát triển và đang phát triển. Các nước phát triển buộc phải cắt giảm khí thải nhà kính. Giờ đây nó liên quan tới một dạng thương mại mới, thương mại khí thải. Đó là một dạng thức mới của thương mại khi người ta mua bán phát thải carbon. Tại Hội nghị Rio+20, chúng ta thảo luận những cách thức mới, mô hình mới cho sự phát triển bền vững. Hy vọng là tại Hội nghị lần này, các nhà tài trợ sẽ đưa ra những cam kết rõ ràng hơn.

PV: Tại Hội nghị này, yếu tố bền vững trong sự phát triển cần phải được nhấn mạnh như thế nào, thưa bà? 

Bà Pratibha Mehta: Trước hết chúng ta phải duy trì những tiến bộ đã đạt được cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Điều quan trọng là không thể đảo ngược, kéo lùi sự phát triển bởi những cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính.

Sự bền vững theo quan điểm phát triển bền vững có nghĩa chúng ta không tiêu dùng hết toàn bộ những gì mà chúng ta có, những tài sản cho thế hệ tiếp theo. Bền vững có nghĩa không vắt kiệt mọi nguồn tài nguyên mà phải bảo vệ và lưu giữ cho các tương lai. Tôi nhấn mạnh là điều đó hết sức quan trọng.

Yếu tố bền vững trong phát triển giờ đây mạnh mẽ hơn rất nhiều so với cách đây 20 năm. Đó là điều sẽ được thảo luận tại Hội nghị Rio+20 lần này. Khái niệm phát triển bền vững giờ đây là cách tiếp cận đồng thời giữa 2 yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường. 

PV: Việt Nam được biết tới như một bài học thành công tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Vậy Việt Nam có thể mang tới Hội nghị kinh nghiệm phát triển gì, thưa bà?

Bà Pratibha Mehta: Tiến bộ của Việt Nam cần phải được giới thiệu với cộng đồng thế giới. Hội nghị Rio+20 cung cấp một diễn đàn tuyệt vời để Việt Nam cho thế giới thấy những thành công trong 20 năm qua đối với việc xóa đói giảm nghèo, đạt được hầu hết các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đưa ra các cam kết chính trị mạnh mẽ với vấn đề biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng hiệu quả, phát thải khí nhà kính, đề ra chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như là chiến lược Tăng trưởng Xanh.

Không nhiều quốc gia đã đề ra được một chiến lược Tăng trưởng Xanh như Việt Nam đã làm được. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam chia sẻ với thế giới một số kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình, ví dụ như làm thế nào để xóa đói giảm nghèo bền vững. Đây cũng là lúc để Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác tái khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ cho lộ trình phát triển bền vững.

Hội nghị Thượng đỉnh Rio+20, nơi có sự tham dự của hơn 50.000 đại biểu từ các chính phủ, khu vực tư nhân và giới khoa học cũng sẽ là nơi để Việt Nam kết nối sự hợp tác, xác định những đối tác phát triển trong tương lai./.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên