Việt Nam là một trong những nước tiên phong của phong trào Pháp ngữ
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả để đưa phong trào Pháp ngữ phát triển sâu rộng.
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ 20/3, ông Patrice Burel, Giám đốc Văn phòng Khu vực châu Á –Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) có bài phát biểu gửi tới các thành viên Cộng đồng Pháp ngữ và những người nói tiếng Pháp. Đài Tiếng nói Việt Nam trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn bài phát biểu này.
Thưa các bạn của Cộng đồng Pháp ngữ thân mến!
Cứ vào dịp ngày 20/3, chúng ta lại cùng nhau kỷ niệm ngày thành lập Khối Pháp ngữ liên chính phủ, ngày nay là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) có Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương được thiết lập tại Hà Nội từ năm 1994. Việc đưa vào hoạt động Văn phòng khu vực này là để chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ năm 1997 và Hội nghị này đã đặt nền tảng cho Tổ chức quốc tế Pháp ngữ hiện nay như chúng ta đều biết.
Tuy rằng ngày kỷ niệm này đã trở nên gần gũi với nhiều người, nhưng vào dịp này, mọi người vẫn thường hỏi nhau các hoạt động kỷ niệm cụ thể là gì.
Trước tiên, chúng ta kỷ niệm sức sống mạnh mẽ của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ mới đây vừa tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ Pháp ngữ lần thứ 13 tại Montreux, Thụy Sĩ. Hội nghị này đã tái xác nhận tín nhiệm thêm 1 nhiệm kỳ 4 năm nữa với Tổng thư ký của chúng ta - Ngài Tổng thống Abdou Diouf. Tại Hội nghị thượng đỉnh này, đã có thêm 5 nước quan sát viên mới, nâng tổng số các nước thành viên và quan sát viên lên 75, đồng thời nâng tổng số người nói tiếng Pháp trên toàn thế giới lên 220 triệu người, chủ yếu nhờ gia tăng đáng kể ở châu Phi, như theo thống kê của Đài quan sát tiếng Pháp.
Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tại Montreux đã đặt trọng tâm vào các dự án của chúng ta, đây cũng là mảng quan trọng thứ hai trong chương trình kỷ niệm: đó là tương lai của ngôn ngữ chung của chúng ta, tiếng Pháp được ví như chất kết dính của Cộng đồng chúng ta. Tại Montreux đã ký kết 3 hiệp ước ngôn ngữ đầu tiên giữa Tổ chức quốc tế Pháp ngữ với Liban, Seychelles và Sainte-Lucie, đồng thời Hội nghị cũng quyết định tổ chức vào dịp mùa xuân năm 2012, tại Québec, Diễn đàn thế giới về tiếng Pháp, sẽ qui tụ tất cả các đối tác liên quan để đưa ra chiến lược đổi mới nhằm khuyếch trương tiếng Pháp, trong đó có các cơ quan thực thi Pháp ngữ và các mạng lưới của những cơ quan này và sau đó quyết định của diễn đàn này sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 14 tổ chức vào cuối năm 2012 tại Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo.
Liên quan đến chủ đề quan trọng then chốt cho tương lai của phong trào pháp ngữ, chúng ta cũng đã làm được khá nhiều công việc tại vùng Đông Nam Á và sắp tới, Việt Nam sẽ cùng các nước láng giềng và các đối tác thực hiện phần hai của chương trình khuyếch trương tiếng Pháp trong các hệ thống giáo dục của khu vực này. Những con số thống kê mà chúng ta có được, một phần, rất đáng cổ vũ, tuy nhiên, chưa có công việc cụ thể nào được tiến hành và độ bền vững của một số lượng đầy đủ thanh niên nói tiếng Pháp còn phụ thuộc vào tinh thần tự nguyện của những người đảm trách chính trị, hành chính, đại học và trong các trường học. Các văn bản cần thiết đã được ban hành. Chỉ cần chúng ta đưa vào áp dụng để phát triển việc nắm vững 3 ngôn ngữ mà ngày nay đã trở thành một trong những hành trang quan trọng để đạt kết quả cao trong học tập ở trường phổ thông cũng như ở bậc đại học; đồng thời là chìa khóa tốt cho phép thành công khi tìm việc làm với những triển vọng nghề nghiệp thực sự.
Trên thực tế, phong trào Pháp ngữ đã có lịch sử hơn một thế kỷ tồn tại, điều đó không chỉ là một ngôn ngữ chung và một Tổ chức quốc tế, mà còn là một Cộng đồng sống động, phần đông là thanh niên. Chính vì vậy mà ngài Tổng thư ký Abdou Diouf đã dành chủ đề thanh niên cho ngày Quốc tế Pháp ngữ 20/3/2011. Cộng đồng Pháp ngữ dựa trên những giá trị chung, đó là: đoàn kết, bảo vệ và phát huy đa dạng văn hóa, tính đa phương trên trường quốc tế, dân chủ.
Tất cả những dự án trên đây đã chứng thực cho tiềm năng to lớn của khối Pháp ngữ tại Việt Nam cũng như trong khu vực này. Tôi mong muốn rằng, những dự án này sẽ được tiếp nối bởi rất nhiều người khác, họ sẽ hỗ trợ cho những thế hệ nói tiếng Pháp tiếp theo hướng ra thế giới nhờ việc nắm vững ít nhất hai ngoại ngữ. Trước khi kết thúc công tác mà tôi đảm nhiệm từ gần 5 năm nay, tôi mong muốn Việt Nam tham gia tích cực không chỉ trên cương vị một đối tác mà là nước tiên phong của phong trào pháp ngữ cũng như những giá trị thúc đẩy hoạt động của khối trong khu vực Đông-Nam Á. Để thực hiện tham vọng này, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và Văn phòng khu vực sẽ luôn sát cánh cùng các bạn./.