Việt Nam ở thời kỳ "cơ cấu dân số vàng"

Từ năm 2007 và dự báo sẽ kết thúc vào năm 2041, cứ 2 hoặc hơn 2 người trong độ tuổi 15-64 gánh 1 người trong độ tuổi phụ thuộc.  

Ngày 14/6 tại Hà Nội, Cơ quan LHQ tại Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố các ấn phẩm Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, nhằm cung cấp các số liệu dân số chính xác, là cơ sở quan trọng để đánh giá các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, hỗ trợ việc xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp.

Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê, với phương án mức sinh trung bình, dân số Việt Nam sẽ đạt 95,3 triệu người vào năm 2019; 102,7 triệu người vào năm 2029 và 108,7 triệu người vào năm 2049.

Kết quả phân tích về giáo dục cho thấy, tỷ lệ biết đọc, biết viết của dân số từ 15 tuổi trở lên là 93,5%, tăng 3,2% so với năm 1999. Sự khác biệt giữa nam và nữ về tỷ lệ biết đọc, biết viết có xu hướng giảm mạnh từ 10% vào năm 1989, xuống còn 4,4% vào năm 2009. Những con số này cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong việc đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về tăng cường bình đẳng giới.

Cũng theo kết quả phân tích sâu về cấu trúc tuổi và giới tính, Việt Nam đã bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, bắt đầu từ năm 2007 và theo dự báo sẽ kết thúc vào năm 2041, nghĩa là cứ 2 hoặc hơn 2 người trong độ tuổi 15-64 gánh một người trong độ tuổi phụ thuộc.

Thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" chỉ ra xảy ra duy nhất 1 lần trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia, và sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia đó nếu Chính phủ có những chính sách phát triển nguồn nhân lực và tạo cơ hội việc làm phù hợp, đặc biệt chú trọng đến lực lượng lao động trẻ.

Như vậy, cùng với cơ hội "cơ cấu dân số vàng", Việt Nam cũng cần có những ứng phó với già hóa dân số để đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc y tế cho người già, đặc biệt người già trong nhóm hộ nghèo, người già tàn tật ở các vùng nông thôn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên