Việt Nam - Pháp có nhiều không gian để hợp tác về biển
VOV.VN - Theo Đại sứ Olivier Poivre d’Arvor - Đặc phái viên của Tổng thống Pháp về các vấn đề đại dương và địa cực, Việt Nam và Pháp có nhiều không gian để thảo luận về vấn đề bảo tồn đại dương cũng như phát triển kinh tế biển.
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 17/12, Đại sứ Olivier Poivre d’Arvor - Đặc phái viên của Tổng thống Pháp về các vấn đề đại dương và địa cực đánh giá cao vai trò của đại dương trong bức tranh kinh tế của Việt Nam - một quốc gia với đường bờ biển trải dài hơn 3.260km, cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn không gian biển.
Vùng biển Việt Nam sở hữu khoảng 3.000 đảo lớn, nhỏ với diện tích phần đất nổi khoảng 1.636 km2, được phân bố chủ yếu ở vùng biển Đông Bắc và Tây Nam với những đảo nổi tiếng giàu, đẹp và vị trí chiến lược. Dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, 48 vũng, vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển, mang lại tiềm năng kinh tế lớn.
"Nếu xem đại dương là một quốc gia thì đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu. Giống như Việt Nam, Pháp cũng sở hữu đường bờ biển dài hơn 4.800km. Vì vậy, ở lĩnh vực này, tôi tin rằng hai nước sẽ có nhiều không gian để thảo luận", ông Olivier Poivre d’Arvor nói
Giải quyết vấn đề ô nhiễm và nước biển dâng
Theo Đại sứ Olivier Poivre d’Arvor, những vấn đề nóng của quốc tế như hiện trạng ô nhiễm, biến đổi khí hậu, nước biển dâng,... tới nay vẫn chưa có giải pháp triệt để và các quốc gia vẫn phải tìm cách thích ứng với thực trạng, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến đại dương. Vì vậy, Pháp mong muốn sẽ tìm ra phương pháp tháo gỡ những nút thắt này, trả lại không gian biển trong lành cho người dân trên khắp thế giới.
Đây là một trong những nội dung sẽ được thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh về đại dương sẽ được tổ chức tại Nice, Pháp vào tháng 6/2025. Tiếp nối thành công từ Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris trước đó, Pháp hi vọng hội nghị tới đây sẽ đánh dấu sự góp mặt trở lại của lãnh đạo các nước và giới khoa học, từ đó tạo nên môi trường hòa bình rộng lớn, có sức lan tỏa và đi vào thực tiễn trong thời đại số.
Hội nghị thượng đỉnh về đại dương tới đây cũng là lần đầu tiên Pháp xây dựng và đặt nền móng cho các mô hình số hóa về đại dương trên toàn thế giới, được tài trợ bởi Uỷ ban châu Âu. Mô hình số hóa này sẽ nắm bắt được hướng di chuyển của các dòng hải lưu cũng như định vị các vùng ô nhiễm, từ đó kịp thời nắm bắt tình hình biển mà không cần trực tiếp đi vào lòng đại dương để khảo sát. Pháp cũng dự kiến cung cấp quyền truy cập miễn phí mô hình số hóa này cho tất cả các nước thành viên tham dự sự kiện, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, trong nhiều năm năm qua, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Đại sứ Olivier Poivre d’Arvor hi vọng trong tương lai, cùng với sự phát triển trong quan hệ hai nước, các dự án của AFD sẽ ngày càng mở rộng, giúp tái tạo nhiều không gian biển cho Việt Nam.
Phát triển kinh tế biển đúng cách
Theo Đại sứ Olivier Poivre d’Arvor, bên cạnh các vấn đề còn tồn đọng như ô nhiễm hay nước biển dâng, đại dương cũng sở hữu nhiều tiềm năng lớn, nguồn tài nguyên dồi dào đang chờ được khai phá. Tuy nhiên, việc khai thác quanh năm sẽ khiến những nguồn tài nguyên biển nhanh chóng cạn kiệt, do đó mỗi năm cần có vài tháng ngừng đánh bắt cá. Thay vào đó, các nước sở hữu tài nguyên biển có thể kết hợp với du lịch để đảm bảo sinh kế cho các ngư dân.
Theo thống kê, hàng năm Pháp đón khoảng 100 triệu khách du lịch. khoảng một nửa trong số này có xu hướng lựa chọn điểm dừng chân là những vùng biển để trải nghiệm các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường kết hợp với khám phá văn hóa. Đây là một tín hiệu tốt cho việc phát triển kinh tế biển, bởi ngư dân có thể xây dựng mô hình cộng sinh giữa du lịch và đánh bắt hải sản.
"Trong giai đoàn ngư nhàn (nhàn rỗi do ngừng đánh bắt cá), Việt Nam cũng có thể cho khách du lịch đến tham quan trải nghiệm về nghề cá như cách đánh bắt cá, cách đóng tàu,… qua đó giúp ngư dân có thu nhập dù không khai thác tài nguyên biển. Theo tôi, đây là mô hình du lịch thông mình cần được nhân rộng để phát triển bền vững", ông Olivier Poivre d’Arvor nói.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần tính toán thời điểm đánh bắt phù hợp, đánh bắt với số lượng bao nhiêu để bảo đảm nguồn thủy sản có thể tái tạo cũng như bảo đảm hệ sinh thái, cũng như xây dựng các cảng biển để phát triển kinh tế từ giao thương. Ngoài đánh bắt cá và du lịch, Việt Nam hiện sở hữu nhiều tiềm năng ven biển đáng khai thác như dự án cảng biển ở khu vực Hải Phòng và Đà Nẵng. Đây là những lĩnh vực mà Pháp có thể hợp tác với Việt Nam, giúp Việt Nam tận dụng được lợi thế, sớm trở thành cường quốc mạnh về biển.
Hợp tác nghiên cứu về không gian biển
Đại sứ Olivier Poivre d’Arvor cho rằng, những hiểu biết hiện nay của nhân loại về Mặt Trăng còn nhiều hơn về đại dương, vì vậy việc tăng cường hợp tác để tìm hiểu cũng như giải quyết các vấn đề trong không gian biển là hết sức cần thiết. Giới nghiên cứu Việt Nam và Pháp vẫn đang thúc đẩy giao lưu, trao đổi kiến thức trong lĩnh vực còn nhiều khoảng trắng này. Tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - ngôi trường được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp năm 2009, có rất nhiều nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia về lĩnh vực biển và đại dương là người Pháp.
Ông Olivier Poivre d’Arvor cũng mong muốn sử dụng đội tàu thăm dò đại dương của Pháp phục vụ cho công tác thu thập thông tin về vùng biển của Việt Nam. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần tham gia vào ủy ban khoa học quốc tế, đóng góp nhiều hơn vào việc tìm hiểu hiện trạng của các vùng biển. Dựa trên các báo cáo định kỳ được đưa ra bởi ủy ban này, các nhà hoạch định chính sách có thể nắm bắt đầy đủ và kịp thời về tình hình đại dương.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về đại dương sắp tới, các quốc gia sẽ thảo luận về tác động của hiện tượng nước biển dâng tới các vùng châu thổ và vùng ven biển trên thế giới. Ông Olivier Poivre d’Arvor hy vọng hội nghị lần này sẽ tập hợp được khoảng 500 nhà hoạch định chính sách và những người đại diện cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi hiện trạng này để cùng trao đổi và tìm cách tháo gỡ những khó khăn hiện tồn.
Ông Olivier Poivre d’Arvor cũng cho biết trong vài ngày tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ nhận được giấy mời chính thức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
"Tôi hy vọng Việt Nam - với tư cách khách mời danh dự tại sự kiện này, sẽ đóng góp tiếng nói và tầm nhìn mới về vai trò của biển, của đại dương trong bức tranh kinh tế chung cũng như những kế hoạch bảo tồn đại dương dài hạn trong tương lai", ông Olivier Poivre d’Arvor nói.