Việt Nam sắp tuyệt chủng gấu hoang dã

Mật gấu không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí còn gây hại đến sức khỏe như suy gan, thận thậm chí tử vong do sử dụng không đúng cách.

Gần 3000 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép để lấy mật

Nhiều năm nay, đa số người dân vẫn tin rằng mật gấu có khả năng chữa bệnh. Chính vì vậy mà từ thành thị đến nông thôn, một nhóm người trong xã hội luôn có nhu cầu sử dụng mật gấu cao. Trong khi số lượng gấu ở môi trường tự nhiên ngày một bị thu hẹp, thì tình trạng nuôi nhốt gấu trái phép ngày càng gia tăng do sự phát triển của thị trường tiêu thụ trong nước và sự suy giảm về số lượng động vật hoang dã trong tự nhiên do nạn săn bắt và buôn bán. Nguy cơ tuyệt chủng loài gấu hoang dã tại Việt Nam là rất cao.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên: Hiện có hơn 900 cơ sở nuôi nhốt gấu trái phép với gần 3.000 cá thể gấu nhằm sử dụng mật gấu để tăng cường sức khỏe và chữa trị vết thương. Không chỉ có dân thành phố thích sử dụng mật gấu, mà hơn 30% số người được khảo sát tại nông thôn cũng cho biết từng sử dụng mật gấu.

Ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết thêm: Dù nhiều lần cơ quan y tế đã lên tiếng cảnh báo, mật gấu không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí còn gây hại đến sức khỏe người dùng như suy gan, suy thận thậm chí tử vong do sử dụng không đúng cách. Nhưng qua khảo sát 1.400 người dân tại các vùng nông thôn ở phía Bắc, cho thấy có hơn 81% người nông thôn sử dụng mật gấu để chữa các vết bầm tím, bong gân và đau nhức. Tỷ lệ nam giới sử dụng cao hơn nữ giới gấp hai lần và những người từ 40 tuổi trở lên có xu hướng sử dụng mật gấu nhiều hơn. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng: Từ nhiều năm nay, gấu hoang dã luôn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.

Ông Trần Việt Hưng cho rằng: “Cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Bắt đầu từ người dân. Người dân không tiêu thụ động vật hoang dã, không tiêu thụ mật gấu, các sản phẩm từ gấu. Cơ quan chức năng thực thi pháp luật mạnh mẽ, kiên quyết hơn đối với những vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Với các nhà hoạch định chính sách, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn để có thể bổ trợ 1 cách tích cực, hiệu quả cho các hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng như kiểm lâm, cảnh sát môi trường…"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên