Việt Nam thừa nhân lực phổ thông nhưng thiếu nhân lực chất lượng cao
VOV.VN - Thiếu hụt kỹ năng và kinh nghiệm làm việc là những thách thức mà thị trường lao động Việt Nam phải đối mặt khi hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thiếu hụt này đã ảnh hưởng không nhỏ đến bài toán tăng năng suất lao động.
Nguồn nhân lực được xem là tài sản quan trọng nhất của đất nước và việc đầu tư vào con người luôn là một điều tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhân lực tay nghề cao giúp cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa quy trình làm việc. Các chuyên gia và kỹ sư tay nghề cao có khả năng phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình, tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nền kinh tế Đây là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế, tại nước ta, tỷ lệ lao được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2023 là 27%. Tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở. Điều này dẫn đến năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực; Trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 75%.
Những con số thống kê này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cho người lao động. Nguyên nhân chủ yếu do chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các cơ sở; nội dung chương trình đào tạo vẫn còn nhiều yếu tố không cập nhật; mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chủ yếu mới ở việc tạo điều kiện cho học viên thực tập, tham quan, ít tham gia đổi mới nội dung, chương trình; các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển đào tạo nghề chưa đủ mạnh để thu hút nhiều người tham gia các ngành nghề kỹ thuật cao...
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài Chính, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, họ có mong muốn tìm kiếm nhân lực là người bản xứ và có năng lực, trình độ cao về quản trị, quản lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, mặc dù họ có chế độ đãi ngộ tốt, trả lương cao thì vẫn rất khó trong việc tìm kiếm nhân lực có trình độ cao. Để có lượng nhân sự chất lượng cao đã và đang là bài toán khó với các doanh nghiệp và các công ty lớn tại nước ta từ nhiều năm nay.
Ông Thịnh cho rằng, việc đào tạo cán bộ có chất lượng cao, trình độ cao phải được hoàn thiện từ môi trường dạy học, giáo dục, phải bằng việc kết hợp giữa đào tạo về mặt lý luận và mặt thực tiễn của công tác quản lý, đặc biệt phải tự học, tự nâng cao trình độ của người lao động.
“Giáo dục đào tạo cần bắt kịp với thời gian, theo kịp các chương trình hiện đại. Phần lớn sau khi tốt nghiệp đại học, ra trường và đi làm, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại nhân viên. Việc đào tạo ở trường rất quan trọng nhưng chỉ mang tính lý thuyết, do đó để bắt kịp với công việc, người lao động phải tự học, tự nâng cao tay nghề, trình độ để thích ứng với công việc cụ thể, bởi một trường đại học không thể đào tạo ra 1 sinh viên có hàng trăm chức năng, nhiệm vụ như thực tiễn”, PGS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.
TS. Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia cho biết, suốt nhiều năm qua, nguồn lao động ở Việt Nam tồn tại cả 2 thực trạng là thiếu và thừa. Thứ nhất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể dẫn chứng câu chuyện, trước đó, Tập đoàn sân bay Long Thành tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, mặc dù cam kết trả lương đến nửa tỷ đồng/tháng nhưng cũng không tìm ra được nguồn lực như ý muốn.
Đối nghịch với thực trạng này thì Việt Nam lại đang thừa nguồn nhân lực phổ thông, bởi hàng năm cả nước có tới hàng triệu sinh viên ra trường, đội ngũ này chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản tại nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân chính do môi trường giáo dục thực tiễn ở Việt Nam đang rất thiếu và yếu. Các trường đại học hầu như chỉ tập trung đào tạo về lý thuyết nhiều hơn là việc tạo cơ hội để sinh viên được trải nghiệm thực tế, trong khi đây là yếu tố rất quan trọng.
Cùng với đó, doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn còn rất non trẻ, 99% số lượng doanh nghiệp có “thâm niên” dưới 40 tuổi. Các doanh nghiệp phần lớn chỉ tập trung vào việc tạo ra các yếu tố dịch vụ cũng như sản xuất cho từng chuyên đề mang tính chất đơn giản, không đòi hỏi nguồn chất xám cao, dẫn tới việc nhân lực Việt Nam không có cơ hội được cọ xát.
Ông Hòa cho rằng, để khắc phục những hạn chế hiện hữu, các doanh nghiệp phải thúc đẩy công tác đào tạo nhân lực ở chính doanh nghiệp của mình vì không thể tìm được nhân lực phù hợp theo yêu cầu ngay lập tức. Bởi lẽ nếu nhân lực chất lượng cao đáp ứng được mong muốn của mình thì họ cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài trong khi các tập đoàn này trả lương cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp Việt Nam; Cùng với đó phải tăng cường quốc tế hóa, trau dồi về ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội cọ xát, nâng cao năng lực làm việc chuyên nghiệp hơn.
“Nơi cung cấp nguồn nhân lực là các trường đại học, để khắc phục một phần hạn chế trong công tác đào tạo thì cần đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, tập đoàn, theo nhu cầu của khách hàng, để khắc phục dần sự chênh lệch giữa cung - cầu cũng như đáp ứng yêu cầu về nhân lực và năng lực. Người lao động Việt Nam cũng phải chú trọng hơn vào việc đào tạo, trau dồi ngoại ngữ, tăng cường kỹ năng giao tiếp để có thêm cơ hội tiếp cận thực tế, nâng cao năng lực làm việc chuyên nghiệp”, TS. Đinh Việt Hòa cho hay.
Trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa, doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài đều mong muốn có nguồn nhân lực có trình độ cao. Vì vậy, muốn nâng cao năng suất lao động thì việc nâng cao cả về chất lượng và số lượng lao động là một trong những yếu tố tiên quyết để giải bài toán này. Bởi năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Đây là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến để thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong tương lai.