Việt Nam tiến bộ trong việc chống dịch bệnh HIV
(VOV) -Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thúc đẩy chương trình quốc gia phòng chống HIV.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) công bố kết quả chương trình nghiên cứu Kết quả điều trị ARV tại Việt Nam giai đoạn 2005-2010. Một chương trình đánh giá kết quả mới sẽ được tiến hành trong năm 2013 để đo mức độ hiệu quả các hướng dẫn được thông qua gần đây.
Một nghiên cứu mới mang tên “Kết quả điều trị ARV tại Việt Nam: Kết quả của bản đánh giá quốc gia” đã chỉ ra các dịch vụ phòng chống HIV quy mô lớn của Việt Nam đang hỗ trợ chống lại đại dịch HIV của đất nước này. Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã làm việc với Việt Nam để giúp đỡ đáng kể việc mở rộng chương trình điều trị kháng virus tại Việt Nam để đảm bảo cho những người nhiễm HIV được kết nối với các dịch vụ chăm sóc cứu sinh và điều trị.
Được hỗ trợ bởi Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Cứu trợ AIDS (PEPFAR) thông qua Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), nghiên cứu này đã đánh giá kết quả điều trị của 6.875 bệnh nhân được điều trị ARV từ 2005 đến 2010.
Nghiên cứu này, được công bố trực tuyến trên tạp chí PLOS ONE, đã tập trung vào cộng đồng nhiễm HIV của Việt Nam, bao gồm các nhóm nguy cơ cao như người tiêm chích ma túy – những nhân tố chính của đại dịch HIV ở Việt Nam.
“Nghiên cứu này cho thấy đáp ứng tương đối tốt với việc điều trị kháng virus và tỷ lệ duy trì cao trong số những người được điều trị”, theo Tiến sĩ Michelle McConnell, Giám đốc Quốc gia của CDC Việt Nam.
“Điều này có nghĩa là những người đang điều trị kháng virus có thể tiếp tục sống một cuộc sống lành mạnh và hiệu quả. Từ góc độ y tế cộng đồng, những phát hiện này cũng có ý nghĩa rất quan trọng cho công tác phòng chống HIV, vì một khi họ đang điều trị, những người nhiễm HIV ít có khả năng truyền virus cho người khác trong cộng đồng của họ”.
"Các kết quả phản ánh mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc thực hiện một chương trình phòng chống HIV quốc gia hướng tới nhu cầu của những người sử dụng dịch vụ, và cho thấy Bộ Y tế Việt Nam cam kết một chiến lược chăm sóc sức khỏe HIV mạnh và bền vững", bà nói thêm.
"Những phát hiện từ đánh giá này rất hữu ích trong việc cải thiện chương trình quốc gia về điều trị ARV của Việt Nam", Tiến sĩ Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Chăm sóc và Điều trị tại Cục phòng chống AIDS Việt Nam, đã nói. "Vì chúng ta có thể xác định mọi thiếu sót và phát triển các giải pháp và chiến lược phù hợp để đảm bảo một chương trình tốt hơn trong tương lai".
Thông qua PEPFAR và CDC, Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thúc đẩy chương trình quốc gia phòng chống HIV.
Trong năm 2013, một chương trình đánh giá các kết quả mới sẽ được tiến hành để đo mức độ hiệu quả các hướng dẫn được thông qua gần đây, như việc tăng ngưỡng CD4 để bệnh nhân đủ tư cách được điều trị và cải thiện chế độ kháng virus./.