Vinh danh những tấm gương bình dị

10 tấm gương tiêu biểu ấy là đại diện cho hàng triệu triệu người Việt Nam đang ngày đêm không quản khó khăn và hiểm nguy để đóng góp công sức của mình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Tối 26/4, Chương trình “Vinh quang Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng thính giả và người dân Thủ đô. 10 cá nhân được tôn vình lần này là những Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, những doanh nhân, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển cộng đồng. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa, tới dự và phát biểu ý kiến.

10 gương mặt tiêu biểu, mà báo chí gọi là “Những tấm gương bình dị và cao quí” ấy được tuyển chọn từ khắp mọi miền đất nước và thuộc nhiều lĩnh vực công tác khác nhau. Đó là Tiến sĩ Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam - gần cả cuộc đời gắn bó với nghề và giúp biết bao người bệnh giành lại sự sống. Là vị giám đốc năng động của Công ty than Vàng Danh Phạm Văn Mật, luôn chăm lo việc làm và đời sống cho công nhân. Đó là Già làng KSor H’Lâm, ở huyện miền núi Chư-prông xa xôi của tỉnh Gia Lai, luôn gương mẫu đi đầu hướng dẫn bà con dân tộc Ba Na xây dựng cuộc sống mới. Đó là 2 cán bộ trẻ Nguyễn Xuân Thuyết và Nguyễn Hữu Cường ở Đồn Biên phòng Cù Bai, tỉnh Quảng Trị, hàng tháng phải vượt hàng chục cây số đường rừng, vượt sông Sê Păng Hiêng để đưa con chữ về cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số…

Đối với ông Phàn Phù Lìn (dân tộc Dao ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đến với Chương trình Vinh quang Việt Nam chẳng có gì cao siêu; con người ông cũng vậy, với khuôn mặt khắc khổ và lời nói rất mộc mạc, chân thành. Chỉ trong vòng 1 năm, ông cùng vợ con đào một con mương nhỏ dài gần 4 km dẫn nước vào ruộng lúa bậc thang, có độ dốc tới 40%. Chính từ việc làm quả cảm của ông mà 50 hộ dân ở bản Phìn Ngan đã thay đổi tập quán canh tác. Đến nay, người dân tại bản vùng cao này không còn hộ đói.

Đến với Chương trình Vinh quang Việt Nam, ông Mai Bảo - một giáo dân ở xứ Đồng Yên, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), suốt 36 năm trời không quản ngại sóng to, gió lớn để chở lương thực và bộ đội ra đảo Sơn Dương mà kể công sá. Hoặc như sư cô Thích Nữ Huệ Hướng, người biến ngôi chùa Bửu Thắng do mình trụ trì ở huyện Krông buk, tỉnh Đắc Lắc thành "mái nhà" tình thương cưu mang 160 người có cảnh đời bất hạnh…

Ông Mai Sơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khi đã về hưu mà lòng vẫn còn nhiều trăn trở. Sống trên mảnh đất cù lao, bốn bề sông nước; một câu hỏi luôn canh cánh trong lòng ông là phải làm gì để giúp bà con đỡ vất vả đi lại ngay trên quê hương mình. Với tâm huyết của mình, ông tìm mọi cách để huy động các nhà khoa học, những người hảo tâm đóng góp trí tuệ, sức lực và tiền của để xây được hơn 760 cây cầu nhỏ và gần 700 km đường giao thông nông thôn.

10 tấm gương tiêu biểu ấy là đại diện cho hàng triệu triệu người Việt Nam đang ngày đêm không quản khó khăn và hiểm nguy để đóng góp công sức của mình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Với họ, những công việc đã làm và đang làm không nhằm mục đích để xã hội tôn vinh; càng không phải để cầu danh hay lợi lộc. Bởi vậy, trong lời phát biểu chào mừng, ông Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao sự đóng góp quên mình của “Những tấm gương bình dị và cao quí” đối với sự phát triển của cộng đồng. Những tấm gương tiêu biểu ấy đã góp phần xây dựng xã hội phát triển tốt đẹp hơn, nhân ái hơn và phát triển bền vững hơn. Đó không chỉ là những nhân tố mới mà còn là hạt nhân để nhân rộng trong cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên