Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) có dấu hiệu phục hồi, thay đổi tích cực
VOV.VN - Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp giữ gìn và phục hồi vịnh Nha Trang, bước đầu mang lại những thay đổi tích cực.
Đầu tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã ghi nhận được rùa biển tại vịnh Nha Trang. Đây là tín hiệu cho thấy môi trường vịnh Nha Trang có những thay đổi tích cực.
Đầu năm 2021, tình trạng san hô bị tẩy trắng, chết hàng loạt được ghi nhận tại xung quanh Hòn Mun là vùng lõi của Khu bảo tồn vịnh Nha Trang. Ngay sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã khoanh vùng, không cho phép khai thác thủy sản, không tổ chức các hoạt động du lịch lặn biển để bảo vệ san hô. Khu vực ven bờ, tại Hòn Chồng, lực lượng chức năng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giám sát, bảo vệ rạn san hô. Đến nay, hệ sinh thái san hô tại vịnh Nha Trang phát triển tích cực, các loài cá đã về các vùng rạn này để cư trú và sinh sống. Đặc biệt, từ khi vận động không sử dụng nhựa dùng một lần khi qua Bến tàu du lịch Nha Trang, lượng rác thải ở Hòn Mun và các khu vực trong vịnh Nha Trang giảm nhiều so với các năm trước.
Ông Đàm Hải Vân, Phó Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết:"Đối với loài đồi mồi, đó là loài chỉ thị môi trường, khi môi trường ở đâu có môi trường nước tốt, thức ăn phong phú, sẽ quay về kiếm ăn. Đồi mồi sẽ sinh sản tại những bãi trước đây đã từng sinh sản hoặc sinh ra ở bãi đó, nó sẽ quay về. Đây là tín hiệu khá tốt và đáng mừng cho môi trường vịnh Nha Trang. Hy vọng trong thời gian tới, một số loài tiếp tục quay trở về, phát huy thêm đa dạng sinh học, nguồn gen trong vịnh Nha Trang".
Thời gian qua, du lịch biển, đảo ở Nha Trang đạt nhiều kết quả tốt. Thế nhưng, việc phát triển hạ tầng nhanh chóng, khai thác quá mức đã tác động, làm suy thoái sinh thái của vịnh Nha Trang. Trên vịnh Nha Trang hiện đang có 2 khu dân sinh sống tại Bích Đầm, đảo Hòn Tre và đảo Trí Nguyên. Khu vực này sở hữu nhiều giá trị tiềm ẩn về lịch sử, văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên... có thể giúp phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch được kỳ vọng sẽ tạo sinh kế cho người dân, cho "biển nghỉ" để phục hồi môi trường, sinh thái vùng lõi vịnh Nha Trang. Vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư trùng tu Đình làng Bích Đầm, xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, dựa vào giá trị thiên nhiên đang là xu thế của du lịch cao cấp, giữ gìn hệ sinh thái vịnh Nha Trang và bảo vệ vịnh Nha Trang cũng là giữ gìn cho các thế hệ sau. Để gắn kết giữa phát triển và bảo tồn cần có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ các lợi ích:"Doanh nghiệp giúp cộng đồng Bích Đầm phát triển kinh tế bền vững, họ có lợi ích trong đó thì họ sẽ làm mãi mãi. Giữ được thiên nhiên Bích Đầm, giữ được rạn san hô của Hòn Mun, đây chính là cánh tay nổi dài của doanh nghiệp du lịch. Những người du khách đẳng cấp họ đang có nhu cầu gắn với thiên nhiên. Nếu như doanh nghiệp đầu tư vào Bích Đầm, tạo ra hình thức du lịch chia sẻ, lợi ích của công ty du lịch chia sẻ với lợi ích của các nhóm du lịch khác, như vậy sẽ tạo thành mạnh lưới bền vững".
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2024 xác định, khu vực biển thuộc vịnh Nha Trang có diện tích hơn 3.800 héc ta, dân số dự kiến khoảng 10.000 người. Đây sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch biển, đảo quốc gia và quốc tế kết hợp an ninh quốc phòng; phát triển dịch vụ du lịch biển, đảo; tôn tạo cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên dưới nước và trên các đảo; cải tạo, phát triển các khu dân cư theo cấu trúc mở gắn với du lịch cộng đồng trên các đảo Trí Nguyên, Bích Đầm; kết hợp các chức năng an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.
Để phát triển kinh tế biển xanh, bền vững, bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi thủy sản, tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, điều tra cơ bản, cung cấp cơ sở khoa học về hải dương, tìm ra các giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước mắt, tỉnh quản lý chặt các hoạt động kinh tế, tránh tác động tiêu cực đến vịnh Nha Trang. "Hằng năm, các cục dầu vón từ ngoài khơi vào, biện pháp ngăn chặn của tỉnh Khánh Hòa như thế nào? Các đơn vị nghiên cứu biển trên địa bàn rất nhiều, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị nghiên cứu, nghiên cứu cho kỹ, các váng dầu này từ đâu đến? Đại dương thì bao la vậy cách quản lý như thế nào? Không cho váng dầu dạt vào trong bờ thì phải xử lý ngay trên mặt biển như thế nào?"- Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết./.