Vĩnh Phúc cần nâng cao chất lượng cán bộ y tế cơ sở
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý ngành Y tế Vĩnh Phúc chú trọng đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ trẻ
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2015), sáng 26/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm một số cơ sở y tế tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến Trạm Y tế xã Thái Hòa, một xã miền núi nằm ở phía Đông Bắc huyện Lập Thạch, Phó Thủ tướng đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của cán bộ y bác sỹ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ cơ sở. Với 8 cán bộ y tế cùng đội ngũ cộng tác viên tại 12 thôn, những năm qua, trạm Y tế Thái Hòa đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe cho khoảng 8.000 người dân. Trên tinh thần “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trạm coi công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân các biện pháp phòng, chống bệnh tật là nhiệm vụ hàng đầu. Vì vậy, ngoài công việc hàng ngày tại trạm, mỗi cán bộ y tế ở Thái Hòa được giao trách nhiệm phụ trách 1-2 chương trình y tế dự phòng như chống sốt rét, phòng chống bệnh lao, HIV/AIDS. Cán bộ y tế xã cùng với các cộng tác viên đến từng hộ hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, cho con em tiêm chủng đầy đủ...
Công tác rà soát, khám sàng lọc những người có nguy cơ mắc các bệnh như lao, HIV/AIDS, sốt rét được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó Trạm còn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, khoảng 30% các bà mẹ có thai lựa chọn trạm y tế là nơi sinh nở. Tất cả các bà mẹ sinh tại trạm cũng như sinh tại các cơ sở y tế khác đều được cán bộ y tế chăm sóc mẹ và bé sau sinh.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ y tế cơ sở, Phó Thủ tướng lưu ý bên cạnh việc tiếp tục triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ trẻ. Đây là nền tảng để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ cơ sở một cách bền vững.
Tại Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch, mới được thành lập tháng 10/2014 từ việc sáp nhập Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm Y tế dự phòng huyện và Trung tâm Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận kết quả tích cực bước đầu của Trung tâm sau khi sáp nhập.
Hiện Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch có 21 khoa phòng, 130 giường bệnh với 171 cán bộ y tế tuyến huyện; 119 cán bộ y tế tuyến xã cùng 249 cộng tác viên y tế thôn bản. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế dược đầu tư tương đối đầy đủ như máy thở, máy gây mê, siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm cận lâm sàng về sinh hóa, huyết học, nước tiểu… Nhiều loại bệnh tật, kỹ thuật khó, kỹ thuật cao trước đây phải điều trị ở tuyến trên nay đã được thực hiện ngay tại Trung tâm như: Mổ lấy thai, ruột thừa, thủng dạ dày, gẫy xương đùi, gẫy xương cẳng tay… đạt kết quả tốt, không có tai biến, tử vong. Trung tâm đã cấp cứu và điều trị thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo như tai biến mạch máu não, suy tim, các bệnh phổi cấp và mãn tính.
Trong năm 2014, Trung tâm đã thực hiện khám cho gần 90.000 lượt bệnh nhân; mõi ngày điều trị nội trú cho 100 người; điều trị ngoại trú cho 120-130 người, công suất sử dụng giường bệnh đạt 103,8%; tỷ lệ khỏi bệnh là 90,3%. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được giám sát thường xuyên, quản lý chặt chẽ nên trong năm 2014, trên địa bàn huyện Lập Thạch không để xảy ra dịch bệnh lớn.
Chia sẻ những khó khăn của Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch như thiếu bác sỹ có trình độ chuyên môn cao; cơ sở vật chất có phần xuống cấp; trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh ít, cũ, đơn chiếc, chưa có thiết bị kỹ thuật cao… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đẩy mạnh xã hội hóa, mô hình kết hợp công-tư trong khám chữa bệnh đi cùng với tăng cường công tác y tế dự phòng sẽ giúp y tế cơ sở có thể từng bước vượt qua những khó khăn như của Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch
Theo các thầy thuốc đông y, vùng rừng núi Tam Đảo vốn có nhiều cây thuốc tốt và đã được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh từ nhiều đời nay. Lương y Nguyễn Công Phượng cho biết, ông thường khám và bốc thuốc cho khoảng 20 bệnh nhân/ngày. Việc khám là hoàn toàn miễn phí, chỉ có những người cần uống thuốc mới phải trả tiền song một số bệnh nhân quá nghèo thì được tặng thuốc miễn phí. Tuy nhiên, Lương y Nguyễn Công Phượng cũng như nhiều thầy thuốc đông y khác bày tỏ nỗi trăn trở khi hoạt động nghiên cứu và phát triển đông y còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Trong khi thổ nhưỡng, khí hậu của Tam Đảo rất phù hợp phát triển cây dược liệu, mà nhiều loại mang tính đặc thù, có giá trị cao như trà hoa vàng, sâm Ngọc Linh, Giảo cổ lam…
Trước tâm tư, nguyện vọng của các lương y, Phó Thủ tướng cho rằng nếu chỉ làm theo kinh nghiệm mà không có cơ sở khoa học thì đông y không thể phát triển được, mà phải có quy chuẩn khoa học trong chẩn trị bệnh, làm thuốc. Do đó, chính quyền, Hội Đông y, doanh nghiệp cần vào cuộc từng bước phối hợp cùng các lương y tổng kết các bài thuốc hay, kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch, làm thuốc không chỉ chữa bệnh mà còn tạo công ăn việc làm, thậm chí có thể hướng tới xuất khẩu…