Vô minh và Khiếm nhã
Gia đình có nếp nhà. Quốc gia có pháp luật. Những điều ấy là lẽ đương nhiên, ai cũng biết. Vậy mà, tranh thủ vụ việc ở Tu viện Bát Nhã, bà Phó Giám đốc đặc trách khu vực châu Á của tổ chức Human Right Watch đã có những phát ngôn vu cáo Việt Nam về tự do tôn giáo.
Bà Elaine Pearson - Phó Giám đốc đặc trách khu vực châu Á của tổ chức Human Right Watch ở Hoa Kỳ vô minh hay cố tình quên sự thật hiển nhiên là ở Việt Nam người dân được hoàn toàn tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo khi tranh thủ sự lộn xộn ở Tu viện Bát Nhã để có những phát ngôn rằng: ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, rằng các tín đồ Phật giáo và một số tôn giáo khác ở Việt Nam luôn bị ngược đãi và truy bức.
Trong ngôn ngữ của đạo Phật có thuật ngữ “vô minh”. “Vô minh” dùng để chỉ cái tâm ám độn, không hiểu rõ các sự vật, hiện tượng, không hiểu rõ và không tuân theo những tiêu chuẩn qui phạm, phép tắc đạo lý, chân lý, đạo đức… Cứ thế mà xét thì những phát ngôn của bà Elaine Pearson là những lời của kẻ vô minh. Người theo đạo hay không theo đạo ở Việt Nam sẽ dễ dàng nhận ra điều đó bởi bà Elaine Pearson và tổ chức Human Right Watch đã cố tình quên đi sự thật là ở Việt Nam không có đàn áp hay truy bức tôn giáo. Trái lại, người dân Việt Nam được hoàn toàn tự do theo hay không theo một tín ngưỡng, một tôn giáo nào; được tự do thờ phụng và thực hiện các nghi lễ tôn giáo của mình.
Ở Việt Nam người dân được hoàn toàn tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo |
Tranh thủ vụ việc mới xảy ra ở Tu viện Bát Nhã, bà Elaine Pearson còn vu cáo Việt Nam đàn áp một tổ chức tôn giáo ôn hoà. Sự thật đâu phải như lời bà Elaine Pearson nói, mà sự thật là Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo đúng nội dung, chương trình đã đăng ký và phù hợp với các quy định của địa phương về bảo đảm an ninh, trật tự. Các vị tu theo pháp môn Làng Mai, trong đó có nhiều người mang quốc tịch nước ngoài, đã tổ chức khóa tu tại tu viện Bát Nhã mà không xin phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, số người tới tu cũng không đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật. Việc làm này là vi phạm quy định về thủ tục hành chính của Việt Nam, vi phạm giới luật, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thế nên, việc làm hợp tình hợp lý để giải quyết mâu thuẫn là những người theo Pháp môn Làng Mai nên trở về địa phương hoặc chùa cũ để tiếp tục tu học. Làm như vậy chẳng phải là đúng theo tư tưởng “lục hoà” của nhà Phật với “kiến hoà đồng giải” (cùng nhìn một cách nhìn về thế giới, xã hội và con người) đó sao! Nắm vững pháp luật để hiểu và thông cảm với các cấp chính quyền trong việc quản lý xã hội chẳng phải là tâm tư của sư ông Thích Nhất Hạnh trong pháp thoại “Hiểu và Thương” đó sao!
Gia đình nào cũng có nếp của gia đình đó. Quốc gia nào cũng có cơ chế và pháp luật quốc gia đó. Nếp nhà hướng con người tới cái thiện, cái đẹp, cái tôn ti trật tự trong mỗi gia đình. Pháp luật giúp nhà nước quản lý và điều hành quốc gia theo đúng kỷ cương, phép nước. Lấy giá trị văn hoá hay cách thức tổ chức nhà nước của một quốc gia này áp cho một quốc gia khác cũng giống như đem việc nhà này sang áp cho nhà khác – đó đều là những việc làm khiếm nhã, không hợp cái lý sống trên đời một chút nào./.