Võ Thành Công - Kình ngư cứu nạn cứu hộ
VOV.VN - Suốt 7 năm, anh đã tham gia hàng trăm vụ lặn tìm, cứu sống nhiều nạn nhân đuối nước, tìm thấy hơn 100 thi thể nạn nhân.
Võ Thành Công là chiến sĩ nghĩa vụ đầu tiên công tác ở Cảnh sát PCCC, TP HCM. Ngay sau khi hoàn thành khoá huấn luyện năm 2008, Võ Thành Công được tuyển chọn về Phòng Cứu nạn - cứu hộ. Suốt 7 năm làm việc ở đây, anh đã tham gia hàng trăm vụ lặn tìm, cứu sống nhiều nạn nhân đuối nước, tìm thấy hơn 100 thi thể nạn nhân. Từ đó, góp phần có thêm chứng cứ để Công an thành phố thực hiện điều tra, phá nhiều chuyên án. Nhiều người dân và đồng đội yêu mến, cảm phục, đặt cho Võ Thành Công biệt danh "Kình ngư cứu nạn cứu hộ”.
Cao hơn 1,8m, vóc dáng cỏ vẻ dềnh dàng, nhưng khi tham gia cứu hộ dưới nước, Thiếu úy Võ Thành Công nhẹ tênh lặn ngụp như một con rái cá. Dù tuổi đời khá trẻ nhưng anh đã sở hữu một bảng thành tích và rất nhiều kinh nghiệm về công tác cứu nạn cứu hộ dưới nước.
Mỗi lần tham gia xử lý sự cố là một lần có thêm kinh nghiệm, nhất là trong những tình huống đứng giữa sự sống và cái chết. Năm 2011, khi cứu nạn một chiếc tàu bị chìm có nhiều người mắc kẹt trên sông Soài Rạp, tổ lặn của anh đang thực hiện nhiệm vụ bên trong hầm tàu thì bất ngờ một chiếc tàu vận tải khác bị mất lái trôi về phía chiếc tàu chìm.
Nhận định có khả năng va chạm, chỉ huy tổ tìm kiếm đã ra lệnh tổ lặn ngay lập tức phải trở lại mặt nước. Tuy nhiên, chiếc tàu vận tải này trôi quá nhanh, chắn ngang mặt nước khi anh Công còn mắc kẹt bên dưới. Với kinh nghiệm xử lý tình huống và khả năng bơi lội, anh đã thoát ra khỏi hầm tàu ngay trước khi xảy ra va chạm…
Một lần khác, Võ Thành Công lặn tìm chứng cứ là các phần thi thể của cụ bà Võ Thị Bảy ở Bình Chánh- nạn nhân bị sát hại chặt xác vứt xuống sông phi tang. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, giúp Công an Thành phố Hồ Chí Minh khám phá nhanh một vụ án cướp của giết người.
Thiếu uý Công kể lại: “Sau khi tìm được phần thi thể, tâm lý của tôi rất căng thẳng. Ngay sau đó tôi tìm được phần đầu của nạn nhân nhìn rất thương tâm, trên đầu còn có vết thương rất lớn do búa đập. Làm từ sáng đến chiều tối, sau hơn một ngày mò tìm dưới nước, chúng tôi tìm được 8 phần thi thể. Đến khi không còn khả năng tìm kiếm, chúng tôi mới kết thúc việc tìm kiếm”.
Võ Thành Công đã làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn dưới nước khi tham gia cứu sống 14 nạn nhân trong vụ sập hầm nước ở công ty cấp nước Sài Gòn, lặn tìm được 15 thi thể nạn nhân trong vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn….
Với cứu hộ cứu nạn trên cạn, anh Công cũng tham gia nhiều vụ nguy hiểm như: Vụ sập công trình xây dựng nhà CR4 trên đường Tôn Dật Tiên, Quận 7; Cùng đồng đội cứu sống 1 người và tìm 10 thi thể trong vụ nổ sập nhà "Phương khói lửa" trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3…
Không giấu được sự cảm phục và xúc động khi là người duy nhất may mắn còn sống sót, bà Lê Thị Rếp, nạn nhân trong vụ nổ sập nhà "Phương khói lửa" bày tỏ: “Sự cố này quá lớn và chết cũng quá nhiều, trong đó có gia đình chúng tôi. Đội cứu hộ đã cứu sống tôi và giúp đỡ gia đình chúng tôi trong lúc xảy ra sự cố. Gia đình chúng tôi hết sức cảm ơn các đồng chí trong đội cứu hộ cứu nạn”.
Tất cả những kinh nghiệm trong cứu hộ cứu nạn đều được anh thường xuyên chia sẻ cho đồng đội, đồng nghiệp ở nhiều địa phương, như: Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre… Thượng uý Nguyễn Hoài Tâm, Phòng Cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát PCCC TP HCM, một đồng đội của Thiếu úy Công nói: “Trong công tác chuyên môn, đồng chí Công luôn thể hiện tinh thần chiến đấu cao và có kinh nghiệm trong công tác cứu nạn cứu hộ. Đồng chí luôn truyền đạt kinh nghiệm đó cho thế hệ trẻ nên tôi rất cảm mến đồng chí”.
Võ Thành Công, sinh năm 1989 và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Dù trong gia đình không có ai theo ngành Cảnh sát PCCC- cứu nạn cứu hộ, nhưng từ những ngày đầu còn là lính nghĩa vụ quân sự, Võ Thành Công đã sớm bộc lộ được tố chất ít người có được, đó là sự linh hoạt và khả năng phán đoán.
Một khi đã chọn công việc này, anh Công và đồng đội phải chấp nhận với những hiểm nguy đang chực chờ, có khi phải đánh đổi cả mạng sống. Tuy nhiên, có thể cứu sống người hoặc tìm kiếm được thi thể người bị nạn, góp phần sẻ chia những mất mát của các gia đình đã giúp cho anh và đồng đội thêm động lực để tiếp tục gắn bó với công việc này.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM nhận xét: “Phải nói là đồng chí Công có trách nhiệm cao, luôn lăn xã vào công việc nhất là khi có các sự cố người dân bị kẹt trong các công trình sụp đổ 2 là bị rơi xuống sông sâu, nước chảy siết. Trong mọi trường hợp nào Công là một trong nhiều đồng chí khác thường đi đầu lăn xã vào chổ hiểm nguy để cứu được nhiều người. Tôi cho rằng đây là hành động dung cảm là tấm gương rất đáng để chúng ta học tập”.
Với những đóng góp trong công tác cứu nạn cứu hộ, Thiếu úy Võ Thành Công được Cảnh sát PCCC thành phố vinh danh là "Chiến sĩ chữa cháy cứu nạn tiêu biểu năm 2015"./.