Voi Tây Nguyên chết dần, chết mòn vì bị trục lợi
VOV.VN - Chỉ khi con người không tìm cách trục lợi từ voi, không xâm môi trường sống của nó, thì đàn voi mới có cơ hội sống.
Cùng với việc thành lập Trung tâm Bảo tồn voi, tỉnh Đắc Lắc đã phê duyệt Đề án Khẩn cấp bảo tồn voi, với tổng kinh phí 85 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa có voi con nào được sinh ra, còn voi lớn thì ngày càng chết dần, chết mòn.
Theo anh Y Pral Êban, nếu không ăn những cây cỏ tự nhiên, voi sẽ ốm yếu, dù có được tiêm thuốc bổ: “Nếu chỉ riêng mía với chuối là không đủ chất cho voi ăn. Mình phải thả vào rừng tự nhiên voi mới nhanh hồi sức được, và nó mới dai sức. Phải cho nó ăn những thức ăn tự nhiên từ thiên nhiên thì voi mới có sức khỏe. Nếu mà chích thuốc bổ thì voi cũng chỉ khỏe được một vài ngày thôi chứ không kéo dài được 1 tháng đâu, giống như voi trong công ty du lịch đi chở khách chỉ mấy ngày là nó yếu, còn voi của mình đi cả 2-3 tuần nó vẫn bình thường không làm sao cả”.
Đói ăn, lại bị khai thác phục vụ du lịch quá sức, cộng với những mối hiểm họa từ thiên nhiên và con người, khiến số lượng voi nhà ở tỉnh Đắc Lắc đang suy giảm nghiêm trọng. Ba năm gần đây, có 8 con voi bị chết, trong đó chỉ có 1 con già yếu, còn lại là do bị tấn công, bệnh tật hoặc trượt ngã xuống vực do vướng dây xích.
Chỉ 4 tháng qua, đã có 4 con voi nhà và 1 voi rừng ở Đắc Lắc bị chết. Một con voi rừng khác đang phải cứu hộ do mắc bẫy. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 44 con voi nhà, hầu hết đã trên 35 tuổi. Voi nhà thuộc sở hữu của các gia đình nên họ tùy ý khai thác du lịch để kiếm thu nhập.
Bác sỹ thú y Phạm Văn Thịnh ở Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc khẳng định: Thiếu thức ăn là nguyên nhân trực tiếp đe dọa sự sống của đàn voi nhà. Hiện nay, công tác bảo tồn voi chủ yếu là tuyên truyền vận động, tập huấn cho chủ voi và nài voi quan tâm chăm sóc voi.
“Việc cần nhất là phải có khu chăn thả để dưỡng voi, tại vì voi trong dân nếu cứ để tình trạng như hiện tại thì nó sẽ chết dần chết mòn hàng năm. Nguồn thức ăn cho nó, đặc biệt là vào mùa khô như hiện nay ở Lắk hay Buôn Đôn thì không có cây cỏ gì cả, chỉ còn một số ít bên bờ suối bờ sông thôi, việc cung cấp thức ăn cho voi là điều rất quan trọng mà chưa làm được”.
Trước nguy cơ xóa sổ đàn voi, năm 2011, UBND tỉnh Đắc Lắc đã thành lập Trung tâm bảo tồn voi và phê duyệt “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắc đến năm 2020” với tổng kinh phí 85 tỷ đồng. Thời gian qua, Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc đã tiến hành khám sức khỏe định kỳ, phát hiện chữa bệnh kịp thời cho đàn voi nhà. Đồng thời, kiểm soát hoạt động sử dụng voi phục vụ du lịch bằng cách phân lịch trực hàng tuần. Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho một số chủ voi trong quá trình dưỡng voi sinh sản. Công tác tuyên truyền, tập huấn cách chăm sóc voi nhà, bảo vệ và phòng tránh xung đột với voi rừng cũng được triển khai.
Ông Phạm Văn Láng, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc cho biết, vừa qua UBND tỉnh Đắc Lắc đã giao cho đơn vị 200 ha rừng tự nhiên tại Buôn Đôn để thành lập khu chăn thả voi, nhưng ít nhất 3 năm nữa khu vực này mới có thể đưa voi vào thả tự do.
“Đây là một khu vực có sinh cảnh rất phù hợp với điều kiện tập tính sinh lý của loài voi, tức là có rừng khộp và trong đó có những mảng rừng bán thường xanh, ở giữa có hồ nước, về giao thông cũng rất thuận lợi… Về tiến độ rất mừng là năm nay đã được trung ương bố trí vốn đầu tư xây dựng 15 tỷ đồng, trước mắt chúng tôi xúc tiến nhanh cơ sở vật chất kỹ thuật, những hạng mục cấp bách nhất, mua sắm những trang thiết bị cần thiết nhất, để có thể sớm đưa khu đó vào hoạt động”.
Theo ông Khajohnpat Boonprasert, chuyên gia Trung tâm bảo tồn voi Thái Lan, quan trọng nhất là phải tạo được ý thức bảo vệ voi cho người dân trong vùng, và kiến thức cho những người trực tiếp nuôi dưỡng voi nhà. Chỉ khi con người không tìm cách trục lợi từ voi, không xâm môi trường sống của nó, thì đàn voi mới có cơ hội sống. Việc này chính quyền địa phương cần có thêm những cách tiếp cận, tuyên truyền, hỗ trợ người dân nhiều hơn.
“Ở Thái Lan chúng tôi có những lớp huấn luyện để những người nài voi chủ voi cách thức chăm sóc voi, không chỉ là vệ sinh cá nhân, cho voi ăn, mà còn làm bạn với voi nữa. Mỗi khóa huấn luyện như vậy kéo dài trong 1 tuần, và mỗi năm chúng tôi tổ chức 1 lớp; giúp các nài voi hiểu làm thế nào chăm sóc voi tốt, đồng thời, họ cũng có thêm kiến thức chăm sóc bản thân khi tiếp xúc với voi”, ông Khajohnpat Boonprasert chia sẻ.
Bảo tồn voi không chỉ là bảo vệ một loài động vật quý, mà còn là bảo tồn một biểu tượng văn hóa của vùng đất Đắc Lắc - Tây Nguyên. Nếu không có những biện pháp quyết liệt và hữu hiệu hơn, thì chỉ trong thời gian nữa, đàn voi nhà ở tỉnh Đắc Lắc có lẽ chỉ còn trong tiềm thức./.