VOV-TP HCM: Hai mươi lăm năm ấy…

(VOV) -Từ số 7 Hồng Thập Tự đến số 7 Nguyễn Thị Minh Khai là cả một câu chuyện dài hơn 25 năm.

… Gần trưa 30/4/1975, một tốp người bước ra từ hai chiếc xe Jeep vừa đỗ xịch trước ngôi nhà số 7 Hồng Thập Tự (quận Nhất, Sài Gòn). Đấy là Cư xá Thành Tín. Nhìn bên ngoài ngôi này này là cánh cổng sắt khép kín, xung quanh bao bọc bởi tường cao 4m, trên giăng kẽm gai và dây điện trần.

Những người bước từ trên xe Jeep xuống mặc sắc phục Quân Giải phóng. Vài người mang theo súng AK. Họ đẩy cửa. Cánh cổng sắt rít lên.

Một trang mới cho ngôi nhà số 7 này bắt đầu…

Họ là nhóm người đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng vào tiếp quản một cơ sở phát thanh trọng yếu bậc nhất của chế độ Sài Gòn: Đài Phát thanh Tự Do. Đài này do trực tiếp các cố vấn Mỹ chỉ huy điều hành.


Tác giả (ngoài cùng bên phải hàng dưới) cùng các đồng nghiệp những ngày đầu tiếp quản số 7 Hồng Thập Tự

Bên cạnh căn nhà xây theo kiểu Pháp cổ (vốn là một bệnh viện) là căn nhà tiền chế theo kiểu Mỹ. Cửa đóng im ỉm. Đó là đài “Mẹ Việt Nam” cũng khét tiếng chống kháng chiến.

Dọc theo khuôn viên khu đất nhìn từ cổng chính, bên tay phải dãy nhà tôn là Đài “Gươm thiêng Ái quốc” giả giọng đồng bào Thượng theo “Quốc gia”. Số 7 Hồng Thập Tự, Sài Gòn là như vậy. Đây thật sự là một trung tâm chế tạo các chương trình phát thanh phục vụ cho cuộc viễn chinh xâm lược của Mỹ.

Đài “Tự do” theo dõi sát Đài TNVN và Đài Phát thanh Giải phóng. Sau này, lúc vào kho tự liệu tham khảo vẫn thấy văn bản các bài bình luận trên Đài TNVN, Đài Giải phóng các năm 73, 74 và đầu năm 1975. Trong đó có các bài của mình trên Đài Giải phóng.

Cũng ngay chiều 30/4/1975 ấy, ở số 3 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) tại Hệ thống Truyền thanh Việt Nam (tức Đài Trung ương chế độ cũ), theo lệnh của Trung ương, một bộ phận cán bộ Đài Giải phóng được phân công tổ chức và lên sóng đài phát thanh “Sài Gòn giải phóng”. Còn Đài Giải phóng đóng ở số 7 Hồng Thập Tự: “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, phát thanh từ thành phố Sài Gòn – Gia Định”.

Ngày 2/7/1976, Đài Phát thanh Giải phóng hoàn thành nhiệm vụ, chuyển thành Đài TNVN II (trực thuộc Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam). Khi xuống lấy tin ở cơ sở chỉ cần nói vắn tắt là Đài Hai là lập tức được tiếp đón.

Cao điểm mỗi ngày Đài Phát thanh 18 tiếng. Năm 1981, Đài TNVN II hoàn thành nhiệm vụ, thôi phát sóng. Bộ phận phóng viên, biên tập, kỹ thuật nhập vào Cơ quan thường trú phía Nam của Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam.

Đến lúc này, số 7 Hồng Thập Tự đã đổi tên thành đường Xô Viết Nghệ Tĩnh được vài năm rồi. Năm 1987, Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam giải thể, phần lớn các đơn vị nhập vào Bộ Thông tin.

Năm 1988, Cơ quan thường trú Đài TNVN tại TP HCM được thành lập. Tôi còn nhớ, do sự ủy nhiệm của lãnh đạo Đài TNVN, tôi được cử sang bộ phận tổ chức của Cơ quan thường trú phía Nam của Bộ Văn hóa Thông tin, nhận bàn giao hồ sơ hơn 30 cán bộ nhân viên, phóng viên, kỹ thuật viên về cho cơ quan mới.

Lúc đó, tạm phụ trách cơ quan là anh Phạm Minh Nhị. Anh Nguyễn Hồng Mão được lãnh đạo Đài cử làm Giám đốc đầu tiên của Cơ quan thường trú đầu tiên của Đài TNVN.

Nhiệm vụ lúc ban đầu của cơ quan là phụ trách tuyên truyền sản xuất tin bài, tác phẩm văn nghệ: Văn học, tân nhạc, cổ nhạc, sân khấu cho các ban ở Hà Nội. Địa bàn phụ trách là từ các tỉnh Thuận Hải trở vào (tức từ Ninh Thuận vào đến Cà Mau).

Lại nhớ những người tiên khởi của thường trú năm nào: Đào Quang Cường, Hồ Tịnh Tình, Đặng Xuân Mai, Vũ Quý, Triệu Xuân Điến, Lê Thị Xuyến, Nguyễn Thị Bé, Nguyễn Chín, Bùi Bích Hạnh, Trần Thị Ngọc Liễu, Mai Hoa.

Văn nghệ thì có nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Dương Hưng Bang, Đỗ Nam Cao, Lưu Trọng Văn, Nhà thơ Cảnh Trà, Hoàng Thị Quách Ngọc Oanh, Trần Thanh Bình, Nguyễn Đồng Kim Trước Bạch Trúc.

Kỹ thuật có Lê Xuân Hùng, Võ Thanh Duyên, chị Vinh. Kế toán tài vụ thì có chị Hồ Nga, Ngô Thị Mai. Các anh Sơn, Hiếu, Đinh làm lái xe… Lúc về số 7, Đài Giải phóng có đến 900 người… Đã có 3 thế hệ nối tiếp nhau làm thường trú.

Năm 1990, Lãnh đạo Đài giao Cơ quan thường trú TP HCM lên sóng chương trình phát thanh Khmer Nam Bộ.

Năm 1994, lên sóng tiếp chương trình phát thanh Tổng hợp và các chương trình tân nhạc, cổ nhạc, thiếu nhi.

Năm 2005, lên sóng chương trình phát thanh tiếng Chăm. Trước đó, năm 2003 chương trình tiếng Khmer chuyển về Cần Thơ. Nhưng năm 1995, tức là sau 5 năm hoạt động chương trình này đã kịp nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là tấm Huân chương đầu tiên của một chương trình phát thanh tiếng Dân tộc Thiểu số.

Lúc này đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ cầu Thị Nghè đến Ngã sáu Cộng Hòa lại đã đổi tên là Nguyễn Thị Minh Khai. Số 7 Hồng Thập Tự. Số 7 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Số 7 Nguyễn Thị Minh Khai. Nay đã chia thành 3 số 7: Một là Cơ quan thường trú của Đài TNVN, hai là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP HCM và ba là Cơ quan Thường trú Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch. Một cổng trước kia nay làm 3 cổng. Dĩ nhiên tường rào đẹp đẽ, tuyệt không còn kẽm gai…

Bồi hồi nhớ lại thuở đầu tiên Đài Giải phóng về số 7. … 25 năm ấy, biết bao sự thay đổi đã diễn ra. Nhưng tôi và chắc nhiều anh chị em khác sẽ mãi mãi không bao giờ quên những ngày làm Đài sôi nổi ở số 7.

Bao nhiêu buồn, vui. Bao nhiêu lo lắng, dồn nén rồi vỡ òa cho những chương trình thành công trước thính giả.

25 năm cơ quan thường trú TP HCM, tôi hiện diện 23 năm… Điều tôi tâm đắc nhất là mình được tham gia vào tất cả các sự kiện phát thanh lớn nhất của cơ quan trong thời gian này. Trong đó rất đáng kể là việc tổ chức, chỉ đạo và vận hành các chương trình phát thanh tiếng dân tộc. Và chúng ta có thể tự hào mà nói rằng: Chúng ta là một trong những người đi đầu làm phát thanh tiếng dân tộc.

25 năm ấy… chưa lúc nào trong tôi nguôi tâm niệm: Xây dựng Cơ quan thường trú TP HCM trở thành một cơ quan báo chí có thương hiệu./.

Minh Khai thư các

Tháng Giêng năm 2013

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Từ lời dạy của Bác đến đạo đức nghề nghiệp nhà báo VOV
Từ lời dạy của Bác đến đạo đức nghề nghiệp nhà báo VOV

(VOV)-Những người làm báo ở VOV cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: viết cái gì? viết cho ai ? viết như thế nào?

Từ lời dạy của Bác đến đạo đức nghề nghiệp nhà báo VOV

Từ lời dạy của Bác đến đạo đức nghề nghiệp nhà báo VOV

(VOV)-Những người làm báo ở VOV cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: viết cái gì? viết cho ai ? viết như thế nào?

Tăng cường hợp tác giữa VOV và truyền thông Thượng Hải
Tăng cường hợp tác giữa VOV và truyền thông Thượng Hải

(VOV) - Hai bên thảo luận kế hoạch hợp tác trong thời gian tới về mô hình PT, TH hiện đại và truyền thông đa phương tiện.

Tăng cường hợp tác giữa VOV và truyền thông Thượng Hải

Tăng cường hợp tác giữa VOV và truyền thông Thượng Hải

(VOV) - Hai bên thảo luận kế hoạch hợp tác trong thời gian tới về mô hình PT, TH hiện đại và truyền thông đa phương tiện.

Thăm nơi làm việc của VOV những năm kháng chiến chống Pháp
Thăm nơi làm việc của VOV những năm kháng chiến chống Pháp

(VOV) -Bản Đung là 1 trong 14 địa điểm mà VOV đã ở và làm việc trong thời gian kháng chiến chống Pháp.

Thăm nơi làm việc của VOV những năm kháng chiến chống Pháp

Thăm nơi làm việc của VOV những năm kháng chiến chống Pháp

(VOV) -Bản Đung là 1 trong 14 địa điểm mà VOV đã ở và làm việc trong thời gian kháng chiến chống Pháp.