Vụ án oan ở Bắc Giang: Cần xem lại đào tạo KSV, thẩm phán

VOV.VN-Bộ trưởng Tư pháp: Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật chưa nên đưa vào bổ nhiệm các chức danh như kiểm sát viên, thẩm phán.

Vụ án oan sai dẫn đến kết cục 10 năm ngồi tù của ông Nguyễn Thanh Chấn cho thấy sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ tư pháp trong hệ thống cơ quan thực thi pháp luật hiện nay. Đây cũng là bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng, đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường chất lượng đào tạo đối với đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung và các kiểm sát viên, thẩm phán nói riêng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp, Trưởng khoa đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp cho rằng, vụ án Nguyễn Thanh Chấn là vụ án oan điển hình xuất phát từ vi phạm của phía các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Nếu đúng như những lời khai của ông Chấn thì những sai phạm trong vụ án này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, non yếu về nghiệp vụ hoặc không vô tư trong khi làm nhiệm vụ của các điều tra viên, kiểm sát viên cũng như thẩm phán đã tham gia điều tra, truy tố và xét xử trong vụ án này. Những người tiến hành tố tụng đã không tuân thủ pháp luật, không lấy việc sử dụng chứng cứ để chứng minh theo nguyên tắc suy đoán vô tội.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (áo trắng) trong vòng tay người thân, chòm xóm ngày ra tù

Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp phân tích ở vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, chứng cứ rất thiếu và yếu. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã không chứng minh được tội phạm nhưng đã cố gán ghép ông Nguyễn Thanh Chấn phải nhận tội. Suy luận của một số người tiến hành tố tụng trong vụ án này cho rằng, nếu bị cáo không chứng minh được là không phạm tội thì chứng tỏ bị cáo đã phạm tội. Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Đặc biệt là vấn đề bức cung, ép cung thậm chí dùng nhục hình, nếu đúng như lời khai của ông Chấn nêu ra thì những người đã thực hiện hành vi này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vụ án này cũng là bài học đau lòng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp cho biết, đây cũng là một ví dụ điển hình để Học viện Tư pháp đưa vào bài giảng, để những thẩm phán tương lai, luật sư tương lai và những người có chức danh tư pháp khác thấy đó là bài học.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp khẳng định: “Những người làm án trong vụ án này chưa được qua đào tạo tại Học viện Tư pháp bởi vì vụ án này xảy ra cách đây hơn 10 năm và chúng tôi cũng chỉ đào tạo được hơn 10 năm mà thôi. Những người này là không được đào tạo một cách chính quy cơ bản. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, các cán bộ làm án từ kiểm sát viên, thẩm phán đến luật sư cần phải được đào tạo một cách chính quy cơ bản, qua các lớp đào tạo thẩm phán, kiểm sát, luật sư tại Học viện Tư pháp thì các chức danh tư pháp này sẽ vững vàng.

Đạo đức của cán bộ tư pháp cũng đặc biệt chú ý cho nên cần đào tạo một cán bộ tư pháp vừa có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng vừa có phẩm chất đạo đức thật tốt, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là phải xây dựng cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Có như vậy, nền Tư pháp mới vững mạnh, mới loại trừ được hiện tượng oan sai. Hoạt động điều tra truy tố xét xử mới đúng người đúng tội và mới xây dựng được lòng tin của quần chúng nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nói riêng”.

Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa đào tạo Kiểm sát viên, Học viện Tư pháp cũng cùng nhận định như vậy. Theo Tiến sỹ Đỗ Thị Ngọc Tuyết, trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn có một phần lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Viện Kiểm sát nhân dân các cấp của tỉnh Bắc Giang.

Tiến sỹ Đỗ Thị Ngọc Tuyết cho biết, sau khi nắm được thông tin về vụ án oan sai này, Học viện Tư pháp sẽ đưa vào chương trình giảng dạy để làm bài học kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của Học viện.

“Từ vụ án oan ở Bắc Giang, Học viện Tư pháp cũng sẽ rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đặc biệt là rút kinh nghiệm từ hoạt động kiểm sát điều tra như khám nghiệm, kiểm sát hiện trường, kiểm sát các hoạt động điều tra như hỏi cung của cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện, cấp tỉnh của tỉnh Bắc Giang.

Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, Học viện chú trọng đến đào tạo chức danh kiểm sát viên, thẩm phán và nâng cao công việc hỏi cung cũng như nhiều công tác khác”.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, một việc rất quan trọng là những ý kiến, luận cứ bảo vệ của luật sư đã được trình bày trước Tòa nhưng Hội đồng xét xử đã không xem xét kỹ càng, thấu đáo ý kiến bảo vệ của luật sư. Do đó, để tránh những trường hợp như vậy cần phải tăng cường tranh tụng trước tòa theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Một trong những giải pháp được đưa ra là phải tăng cường công tác đào tạo các chức danh tư pháp.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu quan điểm: “Về đào tạo, chúng ta phải tiến tới việc sinh viên muốn học Luật cần thiết phải tốt nghiệp một trường đại học khác, có kiến thức về kinh tế, xã hội của một ngành đào tạo khác. Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật xong cũng chưa nên đưa vào bổ nhiệm các chức danh như kiểm sát viên, thẩm phán. Việc bổ nhiệm các chức danh này nên được thí điểm thi tuyển để lựa chọn những người xuất sắc nhất để cầm cân nẩy mực, giải quyết các vụ án thì khi đó công lý của đất nước mới giảm sai sót”. 

Mỗi năm Học viện Tư pháp, thuộc Bộ Tư pháp đào tạo 2.500 cán bộ tư pháp, trong đó có 300 kiểm sát viên, 300 thẩm phán cho các địa phương trong cả nước.

Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Tuyết cho biết, theo quy định của pháp luật, ngành Kiểm sát có hai chức năng: thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đối với kiểm sát viên muốn thực hành quyền công tố tốt thì yêu cầu đặt ra là cần kiểm sát tốt hoạt động điều tra. Ngành Kiểm sát sát sao và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra thì chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm pháp luật dẫn tới tình trạng oan sai.  

Nâng cao chất lượng đào tạo, để có những cán bộ tư pháp vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt là giải pháp lâu dài để luật pháp được đảm bảo thực thi chặt chẽ, công minh, khách quan, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng tránh những trường hợp oan sai đáng tiếc như vừa qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Huỷ hai bản án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn
Huỷ hai bản án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn

VOV.VN - Chiều nay, tòa tái thẩm đã xem xét kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn

Huỷ hai bản án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn

Huỷ hai bản án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn

VOV.VN - Chiều nay, tòa tái thẩm đã xem xét kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn

Trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù
Trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù

Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do và chờ Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử lại theo trình tự tái thẩm.

Trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù

Trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm ngồi tù

Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do và chờ Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử lại theo trình tự tái thẩm.

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Công an Bắc Giang lấy làm tiếc
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Công an Bắc Giang lấy làm tiếc

Chánh văn phòng Công an Bắc Giang: “Trong nghiệp công an mà để xảy ra vụ việc điều tra bị oan thì rất đáng tiếc”.

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Công an Bắc Giang lấy làm tiếc

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Công an Bắc Giang lấy làm tiếc

Chánh văn phòng Công an Bắc Giang: “Trong nghiệp công an mà để xảy ra vụ việc điều tra bị oan thì rất đáng tiếc”.