Vụ cá chết hàng loạt: Bài học về ứng phó với thảm họa môi trường
VOV.VN - Các cơ quan chức năng đã lúng túng, xử lý chậm, và chưa có kinh nghiệm ứng phó sự cố, Bộ trưởng Bộ TN-MT nhận định.
Trước hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền trung, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định đây là thảm họa môi trường lớn nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Các cơ quan chức năng đã lúng túng, xử lý chậm, và chưa có kinh nghiệm ứng phó sự cố. Dó đó, sau thảm họa môi trường này cần có quy trình đối phó hiệu quả để làm giảm thiệt hại của ngư dân và đảm bảo môi trường biển bền vững.
Ngư dân chôn lấp cá chết theo cách thủ công ngày ở bờ biển.
Từ ngày 6/4, ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh xuất hiện cá chết hàng loạt nổi trên mặt nước và trôi dạt vào bờ. Chính quyền địa phương và ngành môi trường chủ quan không kịp thời theo dõi và chỉ đến khi hiện tượng cá chết lan ra ở vùng biển 3 tỉnh liền kề là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thì mới bắt đầu có hành động tích cực. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở và cơ quan môi trường vẫn chưa hướng dẫn cho người dân về quy trình việc xử lý môi trường, tiêu hủy cá nhiễm độc. Ngư dân thu gom cá chết và tự chôn lấp ngay tại bờ biển.
Ông Nguyễn Văn Đàn người dân ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh nói: “Tôi chôn hết cá chết dọc ngoài biển, vào buổi chiều cá chết dạt vào nhiều. Ngày nào tôi cũng ở đây nên đi dọc bờ biển có cá chết lấy chân lấp lại vì cá nhỏ. Ở đây thì mùi chịu không nổi, ô nhiễm lúc nắng lên bốc mùi đau đầu nên tôi mới lấy xẻng chôn hết, mình tự giác làm thôi.”
Trên các mạng xã hội người dân đã truyền nhau những thông điệp như “không ăn cá biển, hải sản” hay “nói không với cá biển miền Trung” gây ảnh hưởng tới đời sống ngư dân và ngành du lịch. Sự vào cuộc chậm chạp của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng khiến thảm họa môi trường biển “lan rộng lên đất liền”.
Nhiều người dân hoang mang khi không phân biệt được đâu là cá biển nhiễm độc và đâu là cá biển bình thường. Bên cạnh đó, cá chết nhiễm độc được chôn, tiêu hủy không đúng quy cách sẽ có thể gây ô nhiễm trên đất liền và ảnh hưởng đến những mạch nước ngầm.
PGS-TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam nói: “Việc ngăn chặn đúng là chưa kịp thời, để cho người dân tự đi chôn, đi nhặt cá chết. Việc chôn lấp mà để tự phát là không hợp vệ sinh, nếu cá nhiễm độc chôn mà không theo quy trình cẩn thận nó lại ngấm chất độc đó xuống dưới nước ngầm ảnh hưởng nguồn nước ngầm cũng như là ô nhiễm vùng sinh thái quanh khu vực chôn”.
Điều đáng nói là một số địa phương xuất hiện thương lái thu gom cá chết rồi bán ở các chợ nhỏ lẻ. Nếu xét “hành trình” của cá chết nhiễm độc từ biển đến tay người tiêu dùng sẽ phải đi qua sự kiểm soát của 4 cơ quan chức năng. Đầu tiên, đó là lực lượng kiểm ngư khi những chiếc tàu của ngư dân đi vớt cá chết trên biển, khi tàu cá vào bờ thì đó là ban quản lý cảng cá, chính quyền địa phương.
Cá đi tiêu thụ thì lực lượng kiểm soát là quản lý thị trường và tới chợ là lực lượng kiểm tra an toàn thực phẩm. Thế nhưng, trong lúc cơ quan chức năng chưa vào cuộc thì hàng chục tấn cá chết nhiễm độc đã bị những thương lái thu gom, thông qua 4 cửa vào tiêu thụ và đưa đến các cơ sở chế biến. Người dân trong thời điểm ban đầu thiếu thông tin, không nhận được sự cảnh báo kịp thời của cơ quan chức năng vẫn buôn bán và mua về ăn.
Bà Nguyễn Thị Ninh, ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, kể lại: “Ngày vừa qua có đứa cháu mua về một con cá ăn xong là con say nôn mửa, mẹ sau một tiếng cũng say vô đi ngoài. Chưa bao giờ mà có cá mực nổi như thế, lấy vợt xúc được, anh em lấy lên ăn buổi sáng, buổi chiều là ngộ độc luôn.”
Trong chuyến kiểm tra, làm việc tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, còn có sự lúng túng, bị động của các cơ quan chức năng trong việc ứng phó, xác định nguyên nhân, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự việc cá chết hàng loạt. Nguyên nhân khách quan, đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết bất thường trên diện rộng và còn hạn chế về kinh nghiệm, trang thiết bị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải kiểm tra thường xuyên các công ty, tổ chức, cá nhân sản xuất có thể gây ô nhiễm môi trường, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người dân còn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của các địa phương: “Yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc kiểm soát một cách chặt chẽ, khách quan và nối mạng với hệ thống này để các cơ quan quản lý nhà nước có thể chủ động kiểm soát và phát hiện những trường hợp vi phạm. Cùng với đó cũng yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan trong việc kiểm tra, thanh tra.
Như vậy, chúng ta mới khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường mà đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và đồng thời làm giảm môi trường chúng ta huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.”
Lớp màng lơ lửng ở nước biển khu vực cảng Vũng Áng. |
Theo các chuyên gia môi trường; đây là lần đầu tiên nước ta xảy ra một thảm họa môi trường ven biển miền Trung và có thể rút ra bài học ứng phó thảm họa môi trường, đó là sự chủ quan, lơ là của các cơ quan quản lý Nhà nước trước những hiện tượng bất thường. Công tác khoanh vùng, khắc phục môi trường; công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường và quản lý hàng hóa trong vùng ô nhiễm…
Hàng vạn ngư dân ngư dân miền Trung kỳ vọng vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương, kịp thời làm rõ nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học. Bộ Công an tập trung thu thập tài liệu chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định. Đặc biệt là ngành liên quan sớm có hướng dẫn người dân trong việc tiếp tục nuôi trồng, khai thác và sử dụng hải sản an toàn./.