Vụ Formosa xả thải gây cá chết: Phải làm gì để khôi phục rạn san hô?
VOV.VN -Những rạn san hô đã chết 50% diện tích, tương đương khoảng 400ha, trong khi phục hồi nguyên trạng được rạn san hô phải mất khoảng 50 năm.
“Thủy sản là đối tượng nhạy cảm bị chết trước mắt, nhưng những giá trị khác bị mất đi là rất lớn. Ngôi nhà chung của nhiều loài sinh vật biển bị phá hủy và phải mất khoảng 50 năm mới phục hồi được. Cần yêu cầu Formosa thay đổi công nghệ xử lý chất thải”.
Đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển khi trả lời phóng viên VOV.VN.
Đền bù mới là hàm ý giải quyết trước mắt
PV: Ông đánh giá tác động tới môi trường biển 4 tỉnh miền Trung sau sự cố Formosa xả thải?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Những ảnh hưởng trước mắt chúng ta đã thấy rồi. Đó là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phá hủy hệ sinh thái quan trọng của vùng, như rạn san hô. Hệ sinh thái ở đây được coi là tiêu biểu, là cơ sở để duy trì những nguồn tài nguyên như thủy sản, các giá trị du lịch, hay nói cách khác là “ngôi nhà chung” của nhiều loài sinh vật biển ở khu vực này.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (Ảnh: Infonet) |
Nó cũng là chỗ dựa, nguồn sinh kế của người dân 4 tỉnh cũng như vốn tăng trưởng xanh kinh tế biển của những tỉnh này và những vùng xung quanh. Từ đó, ảnh hưởng đến những bãi tắm, chất lượng của những vùng biển phục vụ du lịch, thủy sản và những mục đích khác.
Thủy sản là đối tượng nhạy cảm bị chết trước mắt, nhưng những giá trị khác là rất lớn. Có nghĩa nó ảnh hưởng tới những yếu tố không chỉ trước mắt mà về lâu dài. Những rạn san hô ở đây chết 50% diện tích, tương đương khoảng 400ha, trong khi phục hồi nguyên trạng được rạn san hô phải mất khoảng 50 năm.
Để phục hồi san hô, đầu tiên phải làm sạch môi trường ở vùng san hô và những vùng xung quanh. Tuy nhiên trong vùng này, ngoài vùng nước trên mặt, do động lực học rất linh hoạt cho nên chất ô nhiễm có thể được phát tán và phân hủy nhanh. Nhưng những tầng giữa, tầng đáy, đặc biệt đáy biển cũng như những vùng cửa sông, ven biển, những khu vực nuôi trồng thủy sản, chất độc đã thâm nhập vào.
Đây là những khu vực tù túng nên có thể tồn dư lâu. Cho nên thời gian lưu tồn, cũng như lượng tồn dư của các chất như Phenol, Cyanua… (là những chất cực độc) trong những môi trường này dễ dàng khiến cho chúng ta phải nghĩ đến chuyện tác động về lâu dài. Tôi cho rằng đền bù mới nói nhiều đến chuyện khắc phục hậu quả mang hàm ý trước mắt nhiều hơn, còn hậu quả lâu dài rất là lớn.
PV: Theo ông, chúng ta nên sử dụng số tiền do Formosa bồi thường như thế nào cho hiệu quả?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Cam kết của Formosa đền bù 2 mục đích đó là phục hồi lại các hệ sinh thái, môi trường và chuyển đổi sinh kế cho người dân. Mục tiêu đặt ra rất dài, cần phải có thời gian, cho nên sự theo đuổi của số tiền 500 triệu USD cho mục đích đó là không tương xứng.
+Như Thủ tướng đã chỉ đạo, Bộ Tài chính cần xây dựng các nguyên tắc riêng. Đây là số tiền rất đặc biệt. Đất nước ta khó khăn, nhưng không phải làm giàu từ mấy trăm triệu USD này. Nói to nhưng lại nhỏ, chẳng đáng bao nhiêu so với hậu quả gây ra và những nhu cầu thực tế. Chính vì thế, chúng ta phải có cơ chế, chính sách đặc thù để sử dụng hiệu quả và không để xảy ra tiêu cực.
Nên làm thủ tục để Formosa thực hiện tốt cam kết này bằng cách chuyển về Chính phủ và Chính phủ phải có quy định riêng, quy chế đặc biệt riêng cho khoản vốn này để sử dụng một cách hiệu quả và cho những mục đích như vừa nêu.
Theo đó, từ các nguồn vốn Chính phủ, Chính phủ phải có trách nhiệm theo đuổi việc phục hồi môi trường và hỗ trợ ngư dân, chứ không thể trong một thời gian Formosa có thể làm được ngay. Một việc làm có hiệu quả cần phải có thời gian, vì vậy Chính phủ phải giám sát việc này về lâu dài. Cần xây dựng các tập thể khoa học tương ứng về chuyên môn để theo dõi.
Ngôi nhà chung của nhiều loài sinh vật biển bị phá hủy do Formosa xả thải (Ảnh: PLO) |
Yêu cầu Formosa thay đổi công nghệ
PV: Về lâu dài, chúng ta cần có giải pháp gì để kiểm soát được việc xả thải của Formosa, cũng như buộc họ thực hiện cam kết về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Trong thời gian tới có 2 việc phải làm. Thứ nhất, Chính phủ phải có những cơ chế để giám sát và cũng yêu cầu phía Formosa tỏ thiện chí tiếp tục cộng tác để giải ngân 500 triệu USD, cũng như hỗ trợ sử dụng đồng tiền cho hiệu quả nhất.
Thứ hai, về xả thải, đây mới là việc bắt đầu. Vừa rồi Formosa mới xả thử mà đã gây hậu quả như vậy. Do đó cần yêu cầu Formosa phải thay đổi công nghệ xử lý chất thải. Có thể chuyển từ xử lý chủ yếu từ dạng chất thải lỏng, nước sang chất thải khô thì việc kiểm soát xử lý sẽ dễ dàng. Yêu cầu Formosa phải tuân thủ nghiêm túc tất cả luật lệ, chính sách, quy chuẩn quốc tế đối với những “đại dự án” như vậy.
Trong đó, yêu cầu tất cả các ống thải ra biển phải đi nổi, không được đi chìm. Mặc dù đã được tiến hành một quy trình xử lý, nhưng phần cuối cùng trước khi đổ ra biển phải đổ ra một bể lắng. Bể lắng này phải được thiết kế nằm bên ngoài các khu công nghiệp, bởi đã có thực tế do quy định không chặt chẽ nên chúng ta không được phép tự do vào trong khu vực này, bị ngăn cản trong giám sát.
Cho nên phải xây dựng bể lắng ở bên ngoài để chúng ta có thể kiểm soát được 100%, vì đây là khâu cuối cùng để thải ra biển. Ống thải đó phải nằm trên mặt đất, không chôn chìm.
Đây được xem là “siêu dự án” về kinh phí cũng như xả thải. Đối với dự án đó, chúng ta phải có một cơ chế giám sát đặc thù. Kể cả những phương pháp giám sát, có thể trong quy chuẩn quốc gia hiện nay chưa có mức độ như vậy, thì sắp tới phải soạn riêng để thông qua đối với các khu công nghiệp ven biển nói chung, với Formosa nói riêng.
Vừa qua, tất cả những con số quan trắc tại đây theo hệ thống quan trắc quốc gia thiết kế đều chệch, không đúng với đối tượng xả thải. Do đó, những hệ thống quan trắc, thông số phải được thiết kế dựa trên cơ cấu của nguồn thải, chất thải từ nguồn, chứ không phải cơ cấu ngoài biển. Tức là chúng ta định đón chất gì, lấy chất gì thì phải “đón đầu” từ bản chất nguồn thải. Máy móc, thiết bị, cũng như phương pháp, tần suất quan trắc cũng phải đặc thù thì mới đối phó được.
Bên cạnh đó, chúng ta mong muốn Formosa cam kết khắc phục, nhưng mặt khác phải chủ động chứ không thể chờ sự cam kết đó. Cam kết đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, còn quản lý Nhà nước là trách nhiệm của Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi!./.