Vụ lùm xùm tại trường Đại học Hùng Vương: Đâu là lối thoát?
VOV.VN - Trong khi đại diện Đại học Hùng Vương khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì không ít cán bộ, giảng viên cho rằng họ đang bị xử ép.
Đến nay, gần 80% trong số hơn 100 cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Hùng Vương đã ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với Hội đồng quản trị nhà trường. Thế nhưng, 26 cán bộ, giảng viên còn lại vẫn còn bức xúc trước quyết định này.
Trong khi đại diện ban giám hiệu nhà trường khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì không ít cán bộ, giảng viên cho rằng họ đang bị xử ép. Những mâu thuẫn không có dấu hiệu chấm dứt đang đẩy Trường Đại học Hùng Vương vào thế khó vì nếu đến ngày 31/8 tới, tình hình không cải thiện, đơn vị này rất có thể sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Bà Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ thông tin với phóng viên VOV. |
Theo nhóm cán bộ, giảng viên chưa ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với Hội đồng quản trị Trường Đại học Hùng Vương, lý do khiến họ phản ứng mạnh là vì cách làm hiện tại của trường chưa thỏa đáng.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Hiền, Trưởng phòng Tổ chức pháp chế, Trường Đại học Hùng Vương cho rằng, nếu trước khi ban hành các văn bản liên quan đến việc sử dụng lao động, ông Đặng Thành Tâm trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, giảng viên, chia sẻ những khó khăn thì sẽ hợp tình, hợp lý hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Hiền nói: “Tiếc là nhà trường đã làm ngược lại những điều đó. Không có đối thoại, không có phương án sử dụng lao động. Cá nhân tôi là Trưởng phòng Tổ chức pháp chế nhưng cũng không được tham gia vào quá trình xây dựng phương án. Làm như vậy là sai quy trình”.
Là 1 trong số 26 cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Hùng Vương vừa nhận văn bản thông báo sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 4 này, Thạc sĩ Tôn Thất Hoài, giảng viên khoa Công nghệ thông tin của trường tỏ ra vô cùng bức xúc.
Theo ông Hoài, ngay cả trong trường hợp 100% cán bộ, giảng viên tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động được nhận vào Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Trường Đại học Hùng Vương làm việc đợi ngày trường được tuyển sinh trở lại, thì vai trò của họ đối với môi trường giáo dục đã không còn như hiện tại. Như vậy, sinh viên sẽ là người chịu thiệt.
Thạc sĩ Tôn Thất Hoài nói: “Sinh viên khi vào trường là họ học với Trường Đại học Hùng Vương. Với lập luận trường sẽ đảm bảo cho các em ra trường đúng thời hạn, hiện tại những người nói những điều này đang ‘đánh lận con đen’. Dùng người ký hợp đồng với Công ty Hùng Vương để làm những việc như tổ chức cho sinh viên thi tốt nghiệp, ký bảng điểm... Những người đó về mặt lý là mạo danh. Thứ hai việc thanh lý như vậy cũng đồng nghĩa với việc xóa sổ Trường Đại học Hùng Vương. Vậy thì với những bằng cấp đã nhận được, sau này sinh viên sẽ phải ăn nói như thế nào nếu liệu một ngày nào đó tên Trường Đại học Hùng Vương không còn tồn tại”.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hạnh, chuyên viên Văn phòng Hội đồng quản trị Trường Đại học Hùng Vương bức xúc: “Vấn đề cơ bản nhất là hiện nay trường không có hội đồng quản trị, không có hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng quản trị cũng hết nhiệm kỳ. Chúng tôi cần các cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Bộ Giáo dục – Đào tạo cử một hội đồng quản trị lâm thời hoặc một cơ quan quản lý nào đó về trường điều hành và giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt trong nhà trường”.
Các bản thỏa thuận tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Hùng Vương. |
Trong khi đó, trả lời phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, bà Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Hùng Vương khẳng định, trường đang thực hiện mọi thứ đúng quy trình.
Bà An cho biết, ngay sau khi ông Đặng Thành Tâm ký văn bản gửi Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn Trường Đại học Hùng Vương về việc thực hiện phương án sử dụng lao động vào ngày 10/12/2015, Hội đồng quản trị và ban giám hiệu nhà trường đã lên lịch tiếp từng đơn vị liên quan từ ngày 21 đến ngày 23/12 để thỏa thuận.
Vào cuối tháng 1/2016, nhà trường lại tiếp tục ngồi lại với các cán bộ, giảng viên để tìm hướng tháo gỡ khó khăn và nhiều cán bộ, giảng viên đã đồng ý làm thỏa thuận tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động. Những người này đến nay đã nhận mức trợ cấp và hỗ trợ theo như thỏa thuận đôi bên.
Về thắc mắc lấy đâu ra nhân lực để đảm bảo tốt nhất quyền lợi đối với khoảng 50 sinh viên đang đợi tốt nghiệp tại trường vào tháng 7 tới, khi mà từ ngày 5/4/2016, tất cả cán bộ, giảng viên của trường sẽ phải thanh lý hợp đồng lao động, bà An cho hay, khoảng cuối tháng 3 này, Hội đồng quản trị nhà trường sẽ ra quyết định thành lập một đội ngũ cán bộ, giảng viên nòng cốt để đảm bảo hoạt động của trường được diễn ra thường xuyên.
Đại diện Trường Đại học Hùng Vương cho rằng, chỉ có cách này nhà trường mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động đến tháng 8 năm nay
Bà Tạ Thị Kiều An nói: “Trường chấm dứt hợp đồng lao động không phải để đi đến giải thể mà muốn xây dựng trường lại cho tốt hơn. Trường Đại học Hùng Vương vẫn thiết tha chuyện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục – Đào tạo hướng dẫn để nhà trường tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông đúng luật. Phải tiến hành đại hội đồng cổ đông thì mới có được hội đồng quản trị mới. Rồi từ hội đồng quản trị mới được công nhận đó mới bầu ra được một hiệu trưởng mới được công nhận. Lúc đó mới có người đại diện về mặt pháp luật. Khi đó, mọi việc trong trường sẽ không um sùm như bây giờ”.
Những tranh cãi nối dài, bên nào cũng đưa ra hàng loạt lý lẽ để bảo vệ chính kiến của mình. Điều này đồng nghĩa với việc Trường Đại học Hùng Vương khó có thể đạt được yêu cầu mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đã đề ra trước đó là đảm bảo khối đoàn kết và ổn định đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nếu cái kết xấu diễn ra, không chỉ cán bộ, giảng viên nhà trường hụt hẫng mà người chịu thiệt thòi còn có đông đảo các sinh viên đã và đang theo học tại trường./.