Vụ ngất xỉu tại BigC: Báo động ô nhiễm không khí trong cao ốc
VOV.VN - Việc tổ chức thông thoáng trong nhà ở các tòa cao ốc ở ta rất kém, thường theo thiết kế của phương Tây, nhà đóng kín…
Từ sự cố nhiều người bị ngất xỉu ở Siêu thị BigC Garden (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngày 14/3 vừa qua, các chuyên gia quan trắc về môi trường cho rằng, hiện nay ô nhiễm không khí tại các tòa nhà đang ở mức báo động. Việc tổ chức thông thoáng khí trong các tòa nhà cao tầng, cao ốc còn kém.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ô nhiễm không khí trong nhà, đặc biệt là tại các toà cao ốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới báo động từ lâu. Từ sự cố nhiều người bị ngất xỉu ở Siêu thị BigC Garden vừa qua, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Đăng: Môi trường không khí trong nhà rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Ở các nước đều có quy định các giới hạn cho phép về nồng độ các chất ô nhiễm không được vượt quá. Nhưng ở Việt Nam, hiện nay chỉ có tiêu chuẩn về chất lượng không khí ở xung quanh nhà.
Nguyên nhân bị ô nhiễm ở trong nhà đầu tiên là do từng nhà có thiết kế, sử dụng không hợp vệ sinh gây ra, nên tất cả các hơi của CO hoặc SO2, NOX sẽ lan truyền trong nhà gây ra ô nhiễm. Vụ việc vừa qua chính là do thiết kế trong nhà không thông thoáng, không có lối thoát cho các hơi độc hại ở trong nhà; thứ hai là bản thân người sử dụng tự gây ra các nguồn ô nhiễm đó mà không biết, nên quá mức thì sẽ sinh ra sự cố.
PV: Hiện nay, trong thiết kế các tòa cao ốc tại Việt Nam đã đảm bảo thông thoáng và phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân chưa thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Đăng: Việc tổ chức thông thoáng trong nhà ở các tòa cao ốc ở ta rất kém, thường theo thiết kế của phương Tây, nhà đóng kín, cửa kính nhiều nên nhiệt trong nhà bị tích đọng nhiều, các hơi ô nhiễm trong nhà cũng bị tích đọng. Trong cả một khối nhà lớn như vậy sẽ tích đọng rất nhiều chất ô nhiễm trong đó, nếu nhà thiết kế không được thông thoáng thì sẽ nguy hiểm, có thể không gây ra sự cố nhưng chất lượng kém rất dễ bị các bệnh ốm đau, gây ra các bệnh hiểm nghèo…
Đặc biệt đối với nhà cao tầng, người thiết kế cũng như chủ đầu tư Việt Nam phần lớn không nghiên cứu kỹ điều kiện khí hậu của Việt Nam mà bắt chước các nước phương Tây.
PV: Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn không khí trong nhà, trong khi đó, ở các thành phố lớn, các tòa nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Vậy, thời gian tới cần có những nghiên cứu, đánh giá về chất lượng không khí trong nhà như thế nào để tránh ảnh hưởng đáng tiếc đến sức khỏe con người?
Ông Phạm Ngọc Đăng: Hiện nay, ở nước ta chỉ có tiêu chuẩn về chống tiếng ồn, còn chất lượng không khí chỉ có quy định trong các môi trường sản xuất, xưởng sản xuất. Điều bức bách nhất của nước ta hiện nay là rất nhiều xưởng sản xuất gây độc hại, nguy hiểm sức khỏe công nhân. Ô nhiễm trong nhà hiện nay rất quan trọng, nhưng người ta cho rằng chủ yếu phụ thuộc vào người chủ công trình, người ở trong đó phải tự bảo vệ mình, chứ không phải người khác gây ra.
Các nhà chuyên môn đề nghị Nhà nước nên có hướng dẫn, tiêu chuẩn cho mọi người biết, kể cả người thiết kế cũng biết. Trong điều kiện hiện nay hoàn toàn có thể nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng phải có sự đầu tư, nghiên cứu.
Hiện nay ở nước ta, những người chủ tòa nhà, những người quản lý tòa nhà chưa nhận thức được hết việc đó nên chưa có để tiến hành nghiên cứu, cải tạo để đảm bảo chất lượng sống cho con người ở trong các công trình đó. Tôi cho rằng đây là yếu tố cần thiết để nâng giá trị của nhà lên thì chủ công trình phải nắm được điều đó và có được các chỉ tiêu để quảng bá. Cơ bản là phải quan tâm thiết kế xây dựng cho phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông./.