Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc: Điển hình về nhiêu khê, chậm trễ TTHC
VOV.VN - Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiêu khê, vòng vo, gây thiệt hại về kinh tế.
Liên quan đến vụ việc tiêu hủy gần 20.000 viên đặc trị ung thư, Tổng cục Hải quan vừa lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng lô thuốc vì cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục. Tuy nhiên, trong khi thủ tục hải quan được rút ngắn thì vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, máy móc, chậm trễ của các cơ quan nhà nước dẫn đến lãng phí, thiệt hại về kinh tế và bức xúc trong dư luận.
Tổng cục Hải quan cho biết việc lô hàng thuốc còn lại hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục. Vì lý do nhân đạo, cơ quan Hải quan vẫn nhanh chóng thông quan lô hàng trong 1 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Cơ quan hải quan đã thực hiện theo quy định và ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành (Cục Quản lý dược - Bộ Y tế) về thời hạn còn lại của thuốc khi đến cảng Việt Nam.
Mặc dù thủ tục hải quan được rút ngắn, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) một cách máy móc, chậm chạp của các cơ quan nhà nước dẫn đến hậu quả lãng phí, ảnh hưởng đến cơ hội được chữa trị của người bệnh.
Trước đó, Thanh tra TP HCM đã có kết luận thanh tra về vụ việc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc điều trị ung thư quá hạn sử dụng. Theo đó, năm 2014 và 2015, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM nhận viện trợ, tài trợ bằng thuốc, hiện vật và tiền của một số đơn vị trong và ngoài nước, trong đó có lô thuốc gần 35.000 viên. Do quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô thuốc viện trợ kéo dài hơn 13 tháng nên đến thời điểm nhập kho, hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng. Điều này dẫn đến bệnh viện còn tồn gần 20.000 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí gần 14 tỷ đồng.
Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự giải quyết thủ tục hành chính còn nhiêu khê, vòng vo, dẫn đến thời gian giải quyết quá dài, gây thiệt hại về kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Đây là một hành vi điển hình của sự vô cảm, thiếu trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực tế còn rất nhiều hành vi liên quan đến thủ tục hành chính khác xảy ra hàng ngày, hàng giờ gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp
“Vụ việc lô thuốc này là đỉnh cao của hành vi hành chính vô cảm, gây tác động lớn. Thực ra đây chỉ là 1 điển hình, chứ còn nhiều vụ việc đang diễn ra ở các mức độ khác nhau. Doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Sự chậm trễ về thời gian có thể quyết định sự tồn tại hay phá sản của một doanh nghiệp. Nhanh được 1 ngày thì có hợp đồng, chậm 1 ngày thì doanh nghiệp có thể bị mất hợp đồng, bị phạt. Đây cũng là cảnh báo đối với cán bộ công chức làm sao để làm việc với trách nhiệm cao hơn với người dân và doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc nói./.
Bác sỹ nói gì về việc gần 20.000 viên thuốc ung thư bị tiêu hủy?
Vì sao phải tiêu hủy gần 20 ngàn viên thuốc ung thư viện trợ?