Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Nên chuẩn hóa quy trình trao nhận trẻ
VOV.VN -Bộ Y tế cần đề ra một quy trình chuẩn về việc trao nhận con, cho tất cả các bệnh viện, nhà hộ sinh, các trạm y tế, trạm xá trên toàn quốc.
Những ngày gần đây, dư luận lại xôn xao vụ trao nhầm con tại bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) xảy ra cách nay 6 năm, khiến một lần nữa, không ít người đặt ra câu hỏi về quy trình trao nhận con của các bệnh viện, trạm y tế.
Không rõ quy trình quản lý trẻ sơ sinh của bệnh viện Đa khoa Ba Vì thế nào mà khi người nhà sản phụ nghi ngờ nhận nhầm con vì... tã lót không giống, phía bệnh viện không chút mảy may nghi ngờ để có những việc làm cần thiết ngay lúc đó, tránh những hậu quả đáng tiếc như hôm nay.
Bé H. cùng bố mẹ nuôi dưỡng mình 6 năm nay là anh Sơn - chị Hiền. Ảnh: Phạm Nhung
Còn gì đau lòng hơn khi cả hai gia đình phải tâm sự với con rằng con không phải con đẻ của bố mẹ, để rồi các cháu sống trong sợ hãi, lo âu, sang chấn tâm lý, bị tổn thương. Còn những bậc làm cha mẹ thì suy sụp, những người mẹ sau một thời gian dài vẫn chưa thể bình tâm vì sự thật vượt quá sức chịu đựng.
Tôi được sinh ra ở Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (bệnh viện C - Hà Nội) vào năm 1977. Mẹ tôi kể, khi sinh con, 2 mẹ con được đeo mã số, trên chân của cả hai mẹ con đều được ghi tên con và mẹ, viết bằng một loại mực màu đen mà sau khi nằm viện 1 tuần, về nhà vết mực vẫn chưa phai. Tôi nghĩ đây là cách làm khoa học và chắc chắn nhất. Bởi ở nhiều bệnh viện hiện nay, các bác sĩ, y tá đeo mã số vào bé và mẹ. Nhưng rủi ro rất cao nếu trong quá trình tắm cho bé hoặc chẳng may mã số đó rơi mất mà lại vô tình trùng hợp với trường hợp nào đó cũng bị rơi mã số rồi cuống cuồng đeo lại thì khó tránh khỏi nhầm lẫn, sai sót.
Tôi sinh con (năm 2002), cũng tại bệnh viện C, cả hai mẹ con được đeo cùng một mã số nhận dạng. Ngay cả khi sinh con ở bệnh viện tuyến đầu cả nước, có đôi lúc tôi vẫn mơ hồ tự hỏi, có chắc quy trình trao nhận con đảm bảo chuẩn tuyệt đối không. Tôi cũng chỉ tự yên tâm khi thấy con mình có nét giống bố, giống mẹ.
Khi sinh con, các sản phụ và gia đình họ chỉ biết đặt niềm tin vào bệnh viện, vào tâm đức và trách nhiệm của các nhân viên y tế. Nên chăng Bộ Y tế cần đề ra một quy trình chuẩn về việc trao nhận con, cho tất cả các bệnh viện, nhà hộ sinh, các trạm y tế, trạm xá trên toàn quốc. Đồng thời, phổ biến quy trình này tới các sản phụ và gia đình ngay khi họ nhập viện để có sự yên tâm, tin tưởng, để niềm vui đón con chào đời được trọn vẹn./.