Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Rớt nước mắt vì lời con trẻ
VOV.VN -Ông Phùng Văn Phượng chia sẻ, nhiều hôm cứ khoảng 8 giờ tối, cậu bé H. cứ chạy sang ôm ông nội khóc và nói: “Ông ơi, ông đừng bỏ con”.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ông Phùng Văn Phượng (ở thôn Vân Trai, xã Tây Đằng, Ba Vì), ông nội của cháu Phùng Thanh H. (một trong 2 cháu bé bị trao nhầm 6 năm trước ở Ba Vì, Hà Nội) nghẹn ngào kể: Chúng tôi có đồng nào cũng tích cóp vun vén cho các con để đi tìm cháu, bây giờ chúng tôi già, cũng cạn kiệt hết rồi.
Từ khi biết tin cháu H. không phải là cháu ruột của mình, ông Phượng cứ thẩn thơ đi ra, đi vào. Ở tuổi của ông đáng ra được vui vẻ, an hưởng tuổi già, quây quần bên con cháu thì giờ cứ ngày đêm day dứt, đau đáu lo cho con, cho cháu.
Những ngày đầu biết tin, chị Hiền ngất lên ngất xuống vì thương con. |
Nhiều hôm ông Phượng cứ lang thang, la cà quán nọ quán kia, ăn cái bánh mì cho qua bữa để đi dò hỏi tin tức cháu ruột của mình giờ ở đâu.
“Thằng cu H. lên 6 tuổi rồi, cháu cũng biết chuyện, người ngoài cứ điều qua tiếng lại nên nhiều hôm cứ khoảng 8h tối, nó chạy sang ôm ông nội khóc và nói: Ông ơi, ông đừng bỏ con, thương lắm. Kinh tế trong gia đình cũng không còn để dồn vào cho các con đi tìm cháu.
Ông Phượng cũng chia sẻ, từ khi biết chuyện, 2 bên gia đình cũng gặp nhau khoảng 10 lần, cho bọn trẻ gặp nhau, ổn định tâm lý và tư tưởng cho các cháu. “Hôm đầu tiên gặp bên nhà chị Hương, cả gia đình tôi lên, cũng mua cho cháu M. ít đồ chơi, đưa cho cháu H. cầm lên. Lên đến nơi, thằng cu H. ôm chầm lấy em nó và đưa đồ chơi cho em nó chơi, còn thằng cu M. tự nhiên ở trong buồng chạy ra ôm chầm lấy ông nội, ông ngoại, bố Sơn, mẹ Hiền. Thế là cứ 10 người khóc cả 10”- ông Phượng nói.
Chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đi tìm con
Sau khi sinh con được khoảng 1 năm, vợ chồng anh Phùng Giang Sơn vay ngân hàng để mở quán cơm sinh viên ở Mỹ Đình (HN). Từ khi phát hiện ra cháu Phùng Thanh H. không phải là con của mình, vợ chồng anh Sơn phải bỏ mọi việc để lo tìm con.
Anh Sơn cho biết, vợ chồng anh phải bỏ mọi việc để lo đi tìm con. |
“Mình phải hủy tất cả công việc, dừng hết lại, vợ đang đi làm cũng phải nghỉ ở nhà để lo đi tìm con, ổn định tinh thần cho các con. Kinh tế trong gia đình phụ thuộc hết vào mình. Giờ ở nhà, nợ nần, vay mượn vẫn phải lo trả hàng tháng. Bây giờ kinh tế gia đình thật sự là cạn kiệt quá rồi”- anh Phùng Giang Sơn chia sẻ.
Anh Sơn cũng cho biết, khi biết tin cháu Phùng Thanh H. không cùng huyết thống với vợ chồng anh, chị Phùng Thị Hiền bị sốc một thời gian dài, sút cân dẫn đến kiệt sức.
“Mấy ngày đầu khi biết tin, vợ tôi sức khỏe yếu, ngất lên ngất xuống. Lo nghĩ con mình đẻ ra mà không được nuôi ngày nào, không được chăm sóc, vợ tôi khóc lóc, dằn vặt”- anh Sơn nói./.
Tăng lương, tinh giản biên chế: Cần sự minh bạch, công bằng!