Vụ trẻ bị tiêm nhầm tử vong: Sai một ly đi một mạng người
VOV.VN -Xảy ra vụ trẻ bị tiêm nhầm, theo GS Nguyễn Khánh Trạch, đó là do chúng ta đào tạo không bài bản, làm việc không đúng quy trình. Đào tạo ào ào.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố về y khoa mà nguyên nhân chính là do sự tắc trách của một bộ phận nhân viên y tế dẫn đến cái chết thương tâm người bệnh khiến người dân bất an và mất niềm tin vào y tế cơ sở.
Bệnh viện Đông Anh - nơi xảy ra vụ việc tiêm nhầm |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VOV.VN, chuyên gia đầu ngành tim mạch Việt Nam, GS.BS Phạm Gia Khải, thành viên Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe cán bộ T.Ư cho biết, tiêm nhầm thuốc làm chết người, chúng ta phải xem các qui trình có được tuân thủ không? Nhầm thuốc là điều hay xảy ra, trường hợp 3 cháu bé ở Quảng Trị bị tử vong do tiêm nhầm thuốc là một ví dụ.
GS.BS Phạm Gia Khải |
GS Khải nhấn mạnh, đó là vấn đề quan trọng. Làm đúng qui định mà các khâu kỹ thuật đã được Bộ Y tế thông qua và phổ biển ở tất cả các cơ sở y tế.
“Tôi còn nhớ Bệnh viện Việt Nam – Cuba (hiện nay là cơ sở 1 của BV tim Hà Nội) có một bệnh nhân chết khi làm test Penicillin. Sau đó, người ta đã thu ngay ống Penicillin đã pha loãng để làm test. Kết quả cho thấy, y tá của BV không làm sai qui định về nồng độ thuốc thử và bệnh viện không bị kiện vì làm sai kỹ thuật nữa”- GS nói.
Cũng quan điểm với GS Khải, GS Nguyễn Khánh Trạch, chuyên gia đầu ngành Tiêu hóa – Gan mật Việt Nam cho rằng, ngày xưa cũng xảy ra tai biến khoa y khoa nhưng nó không nhiều như bây giờ. Nhưng lúc đó, học hành ít nên chúng ta chấp nhận được còn nay thì không.
GS Nguyễn Khánh Trạch |
Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải đào tạo thật bài bản vì nó đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta phải đào tạo cho họ từ kiến thức đến phong cách làm việc chuyên nghiệp và bắt thực hành nhiều. Chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ có kiến thức là được đâu. Kiến thức là một chuyện nhưng phong cách làm việc chuyên nghiệp là một chuyện khác nhau hoàn toàn. Ngày xưa học cũng ít chứ không nhiều như bây giờ. Giờ học cứ ào ào, làm việc chẳng có trên, có dưới, không có quy trình gì cả.
“Nói chung là vấn đề giáo dục, đào tạo của chúng ta kém lắm. Cho nên sai một li đi một dặm mà đi một dặm là chết người như chơi ấy chứ. Tôi cũng nói thẳng rằng, ngành y thì rủi ro là khó tránh khỏi. Nhưng chúng ta đừng có viện vào cớ đó mà nhầm lẫn lung tung là không được”- GS Trạch lo lắng.
Trong khi đó, nói về một số tồn tại và thách thức của ngành, tại cuộc họp tổng kết mới đây, Bộ Y tế thừa nhận, chưa quan tâm đúng mức tới chăm sóc sức khoẻ ban đầu gắn với y tế cơ sở, chưa thực hiện đầy đủ phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế cơ sở là nền tảng.
Đầu tư cho y tế cơ sở còn thấp nên tỷ lệ trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia chưa cao, chưa thực hiện được việc theo dõi, quản lý sức khỏe theo từng người dân, chưa khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật, kể cả các đối tượng chính sách như bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính… Chưa chế tài xử lý các vi phạm chưa rõ ràng và chưa đủ sức răn đe.
Bộ Y tế cũng đã đưa ra một trong 8 trọng tâm của ngành trong năm 2018 đó là xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở quốc gia./.
Tin mới nhất về tình trạng bé gái 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm
Công an đang làm rõ việc bệnh nhi 8 tháng tuổi nghi bị tiêm nhầm thuốc