“Vụ việc ở bệnh viện Hoài Đức là bài học sâu sắc”
VOV.VN - Đại diện Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng đây là hành vi biểu hiện trục lợi quỹ bảo hiểm y tế một cách điển hình.
Không ngờ về vi phạm có hệ thống và quy mô
Theo đơn tố cáo của cán bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, cán bộ Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện đã in kết quả xét nghiệm máu của một bệnh nhân rồi trả cho bệnh nhân đến làm xét nghiệm sau và có khoảng 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản” trả cho ít nhất 2.000 bệnh nhân. Điều đó cũng dẫn đến nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi, nhưng đều có chung một kết quả xét nghiệm. Nhưng điểm đáng chú ý là gần như tất cả bệnh nhân có trùng kết quả xét nghiệm là bệnh nhân bảo hiểm y tế.
Theo lời biện bạch của cán bộ Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện thì việc làm khống kết quả là không muốn bệnh nhân phải chờ đợi lâu khi xin giấy khám sức khỏe để đi làm, đi học hoặc các bệnh nhân phải chờ đợi kết quả xét nghiệm để làm thủ tục ra viện... Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc làm trên vi phạm cả về đạo đức lẫn chuyên môn.
Còn theo ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đây là hành vi biểu hiện trục lợi quỹ bảo hiểm y tế một cách điển hình.Vì sau khi "nhân bản" kết quả, bệnh viện sẽ thu được lượng tiền xét nghiệm gấp nhiều lần mà không phải tốn kém hóa chất, sinh phẩm, giảm thời gian chạy máy và cả chi phí nhân công.
“Hành vi đó gây nên những hệ lụy không những với quỹ bảo hiểm y tế mà còn đối với cả người bệnh. Với bảo hiểm y tế là sự tổn thất về mặt tài chính, còn với người bệnh, nếu họ phải nhận kết quả xét nghiệm không đúng thực tế mà bác sĩ căn cứ vào đó để chẩn đoán, điều trị thì sẽ là cả một hậu quả họ phải chịu. Đây là trách nhiệm của nhân viên y tế, của người thầy thuốc trước sức khỏe người bệnh”, ông Sơn nhấn mạnh.
Buồng lấy bệnh phẩm tại khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ |
Cũng theo Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những hiện tượng làm khống chứng từ không phải là cá biệt, nhưng khi xảy ra trên một diện rộng, với cách làm có hệ thống như thế này thì đây là trường hợp đầu tiên được phát hiện ở Hà Nội.
“Cũng có trường hợp bệnh viện làm chứng từ khống để thanh toán với cơ quan bảo hiểm nhưng người ta chỉ làm một vài trường hợp kèm theo những hồ sơ thực mà thôi. Quả thực tôi cũng bất ngờ khi việc làm chứng từ khống, việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm một cách hệ thống và số lượng lớn như thế này”, ông Phạm Lương Sơn cho biết.
Bài học sâu sắc cho ngành y tế và bảo hiểm
Liên quan đến vụ việc, Sở Y tế Hà Nội khẳng định nội dung tố cáo vi phạm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức là có sơ sở. Cơ quan công an cũng đã khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". 6 người bao gồm cả Giám đốc, Phó giám đốc và y bác sĩ của Bệnh viện cũng bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra.
Theo ông Phạm Lương Sơn, sự việc ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được cơ quan bảo hiểm phát hiện từ tháng 5/2013 và đã yêu cầu bảo hiểm xã hội Hà Nội và Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức tiến hành kiểm tra rà soát. Đến tháng 7, sau khi có báo cáo chính thức của bảo hiểm xã hội Hà Nội, việc thanh toán quý I,II năm 2013 cho bệnh viện bị tạm ngừng; đồng thời tập trung rà soát lại kinh phí liên quan đến xét nghiệm có nghi ngờ làm khống của cả năm 2012 và 2011.
Ông Sơn cho biết, việc tạm ngừng thanh toán không ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế bởi trước đó cơ quan bảo hiểm xã hội đã tạm ứng cho cơ sở khám chữa bệnh.
Trước câu hỏi về công tác thanh tra, kiểm tra để không phải dẫn đến những vụ việc nghiêm trọng, theo Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, ông Phạm Lương Sơn, việc kiểm tra là việc làm thường xuyên liên tục, nhưng công tác giám định, kiểm tra không thể bao quát hết được nếu như có những nhân viên y tế cố tình lạm dụng, trục lợi.
“Vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức chính là bài học rất sâu sắc cho cả ngành y tế cũng như bảo hiểm xã hội trong việc đảm bảo quyền lợi của người bệnh và tính hiệu quả của bảo hiểm y tế”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cũng cho biết đang chỉ đạo Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức và của Hà Nội rà soát, báo cáo về Bảo hiểm Việt Nam trước ngày 15/8. Trên cơ sở đó, cơ quan này sẽ có những hình thức xử lý rõ ràng, minh bạch và để đảm bảo duy trì hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.
“Tất cả những sự việc diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan bảo hiểm xã hội”, ông Phạm Lương Sơn khẳng định./.