Vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt

Sau gần 1 tháng mưa kéo dài, ngày 23/10, ở các xã vùng cao huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, trời tạnh mưa, nước rút, đường huyết mạch từ biên giới về trung tâm huyện Tây Giang đã đi lại được bằng xe ôm

Sau 5 ngày băng rừng lội suối từ vùng cao biên giới AXan chúng tôi mới về được đến thành phố Đà Nẵng. Trận mưa suốt đêm 22 và ngày 23/10 đã làm tuyến đường huyết mạch từ xã biên giới AXan về đến trung tâm huyện Tây Giang sạt lở thêm hàng chục điểm. Công ty TNHH Thanh Tùng, đơn vị thi công tuyến đường này đã huy động nhân lực xe máy, san ủi, cơ bản thông đường.

Ông Trần Minh Huệ, chỉ huy trưởng công trường cho biết: “Đây là đoạn đường chúng tôi đã thi công xong 3 tháng chờ bàn giao nên chúng tôi rút hết xe máy đi, chỉ để lại 2 xe máy ủi. Vì đường nhựa nên không thể để xe xúc bánh xích loại lớn đi qua. Tuy nhiên sau bão, tiếp đến là áp thấp nhiệt đới, mưa to, đường tắc chúng tôi phải điều xe bánh lốp từ Nam Giang sang, san ủi suốt ngày đêm để thông đường”.

Tuy nhiên, đoạn đường từ xã vùng cao Trà Hy, lên xã biên giới AXan dài khoảng 20km, là đường đất nên cứ đến mùa mưa là sạt lở, đứt đường, việc đi lại rất khó khăn. Nếu đoạn đường 17km do Công ty Thanh Tùng san ủi thông đường thì đoạn đường này cũng không thể đi lại được. Ngày 21/10, khi chiếc xe URan 3 cầu của Liên Xô cũ được mệnh danh là “vua chiến trường” chở theo 5 tấn gạo lên cho trường THCS bán trú Lý Tự Trọng thì đoạn đường này đã bị ách tắc trở lại. Điều đáng mừng là hiện ở 4 xã vùng cao Tr" Hy, AXan, ChơUm, Ga Ry đều dự trữ đủ lương thực nên đời sống bà con  dân tộc Cơtu vẫn ổn định. Ông Zơ Râm Riu, người dân ở thôn Voòng, xã TR"Hy cho biết: “Bà con trong thôn ai cũng dự trữ một kho thóc trên rẫy, riêng nhà tôi có 50 ang lúa, có thể ăn đủ mùa mưa”.

Chiếc xe Uran cho 5 tấn gạo

Đã 3 tháng nay, mọi thông tin liên lạc từ đồng bằng lên xã biên giới AXan đều bị cắt đứt. Tuy vậy đời sống nhân dân ở đây diễn ra bình thường. Năm nay, 96 ha lúa nước của xã được mùa, ước sản lượng khoảng 300 tấn thóc, 400 hộ dân ở đây đều có thóc dự trữ trong nhà. Trước mùa mưa bão, xã AXan chủ động dự trữ trong kho 5 tấn thóc, 1 tấn gạo. Mỗi thôn cũng có 1 kho thóc dự trữ từ mùa khô nên có thể giải quyết cái ăn cho đồng bào trong vòng 1 tháng rưỡi. Ông Zơ Râm Buôn, Phó Chủ tịch UBND xã AXan nói, xã chưa phải mở kho xuất lương thực, vì bà con còn đủ cái ăn.

Cuộc sống nơi đây vẫn bình yên

Thầy giáo Phạm Tuấn Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tTrường THCS bán trú Lý Tự Trọng có 700 học sinh 38 giáo viên, trong đó hơn 460 em ở nội trú. Nhà trường đã chủ động dự trữ 10 tấn gạo. Đến ngày 22/10 còn lại 4 tấn, chuyến xe cứu trợ đầu tiên cung cấp thêm 5 tấn nữa. Vì vậy hoạt động giảng dạy và học tập của thầy trò nhà trường diễn ra bình thường .

Công ty Thanh Tùng đang san ủi đường

Sau bão số 9, Đồn Biên phòng 649 AXan cử 200 lượt cán bộ chiến sĩ xuống giúp dân lợp lại nhà cửa, xuất gạo dự trữ cứu trợ những gia đình neo đơn khó khăn. Thượng tá Dương Phúc Long, Chính trị viên Đồn biên phòng 649-Axan cho biết: “Ngoài lương thực dữ trữ theo quy định, Đồn còn dự trữ 4 tấn gạo nên sẵn sàng cứu trợ cho bà con khi cần thiết”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên