Vùng ĐBSCL có nguy cơ bị ảnh hưởng hơn 53.000 ha sản xuất nông nghiệp do ngập
VOV.VN - Lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và vườn cây ăn trái của người dân ở vùng giữa và ven biển của ĐBSCL, có khoảng 289 ô bao có nguy bị ảnh hưởng, với tổng diện tích khoảng 53.393 ha sẽ bị ảnh hưởng.
Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũ đầu nguồn có khả năng xuất hiện vào trung tuần tháng 10, tại Tân Châu dao động ở mức 3,5 - 3,7 m, xấp xỉ và trên mức báo động 1 khoảng 20cm, cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng từ 70 đến 90 cm. Và đỉnh lũ năm 2022 ở mức xấp xỉ và cao hơn mức báo động 1, tuy nhiên vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng sẽ cao hơn năm 2021.
Tổng cục Thủy lợi cho rằng, nguy cơ ảnh hưởng do lũ kết hợp triều cường sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở vùng giữa và ven biển có khoảng 289 ô bao có nguy bị ảnh hưởng, với tổng diện tích hơn 53.000 ha. Trong đó, vùng giữa đỉnh lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức báo động II, báo động III và trên mức báo động III. Còn vùng ven biển đỉnh lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức mức báo động II, báo động III từ 5-20 cm.
Theo dự báo lũ kết hợp triều cường có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Đồng Tháp với diện tích 477 ha, tỉnh Hậu Giang với diện tích 28.000 ha, Tiền Giang diện tích bị ảnh hưởng 43 ha, TP. Cần Thơ với khoảng 8.000 ha, Vĩnh Long có gần 13.000 ha và tỉnh Kiên Giang với diện tích 3.500 ha.
Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo: "Triều cường thường thì một tháng 2 kỳ, chúng ta đều có lịch đó. Về phía Tổng cục Thủy lợi đã có khuyến cáo thời gian chuẩn bị triều cường thời gian trong tháng. Chúng ta phải lưu ý trước đó một tuần và sau đó một tuần chúng ta gieo cấy hoặc mới sản xuất phải tránh bị ngập úng, sau thời gian đó đã đảm bảo thì chúng ta không sợ nữa, đặc biệt thời gian thu hoạch chúng ta phải lưu ý, thời gian triều cường phải tránh để bị ảnh hưởng đến sản xuất".
Trước tình hình này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ngành Nông nghiệp các địa phương cần thường xuyên theo dõi tình hình mực nước, nguồn nước, và khuyến cáo bà con nông dân trong bảo vệ vườn cây ăn trái, rau màu và lúa Đông xuân để tránh thiệt hại.
"Năm nay theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn mực nước triều sẽ dâng cao hơn trung bình hàng năm, điều này sẽ dẫn đến các khu vực ven biển và kinh nghiệm của địa phương và bà con nông dân. Khu vực thượng lưu tình hình ngập lũ không cao cũng đạt mức độ an toàn. Tuy nhiên, vùng giữa của ĐBSCL là hệ thống thủy lợi của chúng ta chưa hoàn toàn chủ động, cũng như hệ thống bờ bao, đê bao của bà con nông dân ở mức rất thấp. Triều cường có thể làm vỡ đê xâm nhập vào trong đồng ruộng với nồng độ mặn chưa thể gây chết cho cây nhưng mà sẽ tích lũy làm cho cây trồng suy giảm về năng suất", ông Lê Thanh Tùng cho hay.
Triều cường sẽ tiếp tục lên cao tại Cần Thơ trong những ngày tới
Tại Cần Thơ, trong sáng 9/10, mực nước đo được trên sông Hậu là 2,17m cao hơn mức báo động III là 0,17m. Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ, dự báo mực nước triều cường sẽ tiếp tục lên cao, vượt báo động III. Các vùng trũng thấp, ven sông rạch, đường giao thông có cốt nền thấp sẽ bị ngập sâu do triều.
Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ cho biết, theo dự báo đợt triều cường sẽ đạt đỉnh vào các ngày 10-12/10, khi đỉnh triều vượt báo động III kết hợp mưa lớn sẽ gây ngập úng các khu vực trũng thấp và có nguy cơ sạt lở những khu vực xung yếu.
Ông Nguyễn Quý Ninh nói: "Tinh thần là chúng ta phải chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chủ động trên cơ sở dự báo và phối hợp dựa vào số liệu từ Đài khí tượng thủy văn thành phố cung cấp để ứng phó".
Để chủ động ứng phó triều cường, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ yêu cầu các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, triều cường, cập nhật phương án ứng phó phù hợp với nhận định thiên tai, triều cường. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó cho lực lượng phòng, chống thiên tai cơ sở để ứng phó kịp thời sự cố và điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi phù hợp nhằm hạn chế thiệt hại do ngập lụt, thiên tai./.