Vùng nguyên liệu gỗ "chảy máu"

Sự gia tăng ồ ạt của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng đã tạo ra sự khan hiếm nguyên liệu và đẩy không ít gia đình vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản.

Với lợi thế là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước, thời gian qua ở tỉnh Yên Bái, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gỗ ra đời, góp phần phát triển kinh tế địa phương và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, sự gia tăng ồ ạt các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng đang kéo theo nhiều hệ luỵ.

Các xưởng chế biến gỗ ở Yên Bái vẫn đua nhau mọc lên

Xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên có hơn 450ha rừng trồng, mỗi năm cho khai thác khoảng 20.000m2 khối gỗ. Sản lượng gỗ này chỉ đủ phục vụ cho 5 - 6 cơ sở chế biến hoạt động trong vòng một năm. Thế nhưng, trong vòng 2 năm trở lại đây, Lương Thịnh mọc lên hơn 60 cơ sở ván bóc và chế biến gỗ rừng trồng với trên 100 chiếc máy. Từ đầu năm đến nay, Lương Thịnh có 10 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng phải tạm dừng hoạt động.

Ông Triệu Đình Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho biết, có tới 70% số cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn xã phải vay vốn ngân hàng để đầu tư. Các cơ sở sản xuất chế biến gỗ đang gặp 3 khó khăn lớn. Thứ nhất là phải vay vốn với lãi suất cao. Thứ hai là nguyên liệu khan hiếm. Thứ ba là đầu ra khó khăn, sản phẩm ứ đọng khiến nhiều DN phải bán cả máy để trả nợ.

Anh Dương Kim Điệp, chủ một cơ sở chế biến gỗ ở thôn Lương Thiện cho biết, cách đây gần một năm, để mở xưởng chế biến gỗ, anh đã phải bỏ ra trên 70 triệu đồng đầu tư hạ tầng và 100 triệu đồng mua máy. Riêng vốn để quay vòng sản xuất anh vay ngân hàng. Những ngày đầu máy có đủ nguyên liệu để làm việc nhưng nay chỉ chạy cầm chừng. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đầu vào cho chế biến gỗ ở Lương Thịnh rất hiếm.

Để có nguyên liệu, các xưởng gỗ phải nâng giá thu mua. Trước kia, thu mua từ 300 - 400.000/m3, nhưng nay có thời điểm thu mua lên tới 700 - 800.000 đồng/m3 gỗ nguyên liệu. Thế là người dân đua nhau khai thác gỗ để bán. Nhiều rừng cây theo chu kỳ phải từ 7 - 8 năm mới được khai thác, nhưng nhiều hộ thấy giá cao đã bán cả cây non. Khai thác cây non năng suất thấp, nông dân thiệt đã đành mà ngay cả các cơ sở chế biến cũng gặp khó khăn bởi gỗ bóc ra chẳng được là bao mà chất lượng ván ép rất kém, giá thành giảm.

Anh Nguyễn Văn Giang, chủ một cơ sở chế biến gỗ ở thôn Đồng Bằng, bộc bạch, vài năm trước có thể làm giàu từ chế biến gỗ rừng với nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định. Còn bây giờ, làm ăn không thua lỗ đã là may mắn. Vì thế, anh đã phải chuyển hướng làm ăn.    

Trước tình hình đó, xã Lương Thịnh đã tiến hành rà soát lại hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh, ông Triệu Đình Viện, cho biết, thời gian tới, xã sẽ không xét duyệt thủ tục vay vốn ngân hàng mở xưởng chế biến gỗ đối với các hộ thiếu tiềm lực kinh tế nữa. Đây là việc làm cần thiết để tránh đầu tư tràn lan, làm theo phong trào.

Yên Bái hiện có gần 200.000 ha rừng kinh tế, mỗi năm cho khai thác trên 200.000m3 gỗ. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở chế biến gỗ và ván bóc, mỗi năm ngốn trên 1.000.000m3 gỗ. Thế mà hiện nay, ở nhiều huyện của tỉnh Yên Bái, các cơ sở chế biến gỗ vẫn tiếp tục mọc lên. Thiết nghĩ các ngành chức năng tỉnh Yên Bái cần xem xét và tăng cường sự quản lý để các xã khác không lặp lại tình trạng như ở Lương Thịnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên