Vượt qua “cú sốc” trượt đại học

VOV.VN -Trượt đại học không có nghĩa là cánh cửa dẫn đến thành công đã khép lại, nếu bạn thực sự có ý chí và quyết tâm.

Khi các trường Đại học lần lượt công bố điểm chuẩn cũng là lúc hàng nghìn thí sinh biết mình không đủ điều kiện để bước vào ngôi trường mình hằng mơ ước. Với nhiều thí sinh, trượt đại học là một thử thách đầu đời mà để vượt qua không hề đơn giản. Thậm chí, vượt “vũ môn” không thành, nhiều sĩ tử chia sẻ: “Đây là những ngày tồi tệ nhất mà em từng trải qua”.

Nỗi buồn mang tên “trượt Đại học”

Không đợi đến lúc trường Đại học mình đăng ký dự thi công bố điểm chuẩn, Quỳnh Mai (Tây Hồ, Hà Nội) đã ủ rũ ngay từ khi tra điểm thi của mình trên mạng, mặc dù cô bé có số điểm khá cao: 21 điểm cho 3 môn thi khối D. Dự thi vào Khoa Luật (ĐHQG Hà Nội), trước đó, Mai tự tin rằng mình sẽ đỗ vì em làm bài khá tốt. 

Mai chia sẻ: "Năm ngoái, Khoa Luật lấy 18,5 điểm khối D, nên em làm bài xong về so đáp án cũng thấy phấn khởi lắm. Thậm chí đến khi tra điểm thi, biết mình thừa tận 2,5 điểm, em cũng chắc mẩm là mình đỗ rồi". Nhưng khoảnh khắc ấy tồn tại không lâu, sau khi xem xếp hạng, với thứ hạng nằm ngoài chỉ tiêu của Khoa, Mai cảm thấy vô cùng hoang mang, buồn bã.

"Chưa kể các bạn có điểm cộng thì em cũng khó có cơ hội đỗ vào trường. Năm nay có lẽ đề dễ nên nhiều bạn làm bài tốt", Mai chia sẻ. Trượt Đại học, Mai cảm thấy thất vọng về bản thân, thương bố mẹ đặt kỳ vọng vào mình để rồi kết quả không được như ý. Dù đã chọn một trường khác để đăng ký nguyện vọng 2 nhưng Mai vẫn mang cảm giác buồn vì trượt NV1.

Với nhiều sỹ tử, quãng thời gian biết mình trượt đại học là những ngày tồi tệ nhất (Ảnh minh họa)

Huyền Trang (Ba Vì, Hà Nội), dự thi 2 trường ĐH là HV An Ninh và ĐH Y Thái Nguyên tâm sự: “Cả hai trường em dự thi năm nay đều chỉ đạt 20 điểm. Lần thứ 2 thi ĐH mà vẫn không thể đỗ vào trường mình mong muốn, em buồn lắm”.

Trang cho biết, em sinh ra và lớn lên tại một vùng đất nghèo, gia đình làm nông. Tuy nhiên, cha mẹ em luôn hi vọng và mong muốn cho các con học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, dù gia đình nghèo, cha mẹ vẫn dành dụm để nuôi hai anh em ăn học. Bố mẹ Trang vẫn thường nói: “Đại học là con đường duy nhất để thay đổi cuộc sống nghèo khó”. Vì vậy, năm đầu thi trượt ĐH, dù khó khăn, bố mẹ em vẫn đồng ý cho em ở nhà thêm 1 năm để ôn thi lại.

Một năm ở nhà, Trang luôn tự nhủ phải thật cố gắng để thực hiện ước mơ của mình và cũng là của cả gia đình. Nhưng chính điều đó làm nên áp lực quá lớn với em.

Biết làm bài không tốt, Trang đã chuẩn bị tâm lí sẵn sàng khi biết điểm, nhưng em vẫn không thoát khỏi cảm giác hụt hẫng. Trang chia sẻ: “Thi lại lần thứ hai mà vẫn không đậu, em thấy thất vọng về bản thân lắm. Em sợ gặp bạn bè, hàng xóm và cả những người thân. Dù bố mẹ không mắng mỏ nhưng mỗi khi nhìn vào mắt họ, em thấy ẩn chứa nỗi buồn”.

Đại học không phải con đường duy nhất

Một trong rất nhiều người trẻ thành công dù không qua con đường đại học là Nguyễn Văn Dũng- người được mệnh danh là “triệu phú internet Việt Nam” với doanh thu 5 triệu USD/năm.

Sinh năm 1989, 12 tuổi kiếm được đồng tiền đầu tiên, 16 tuổi thành lập công ty, hiện Nguyễn Văn Dũng đang giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty  Netlink Online Communication, một công ty hoạt động trong lĩnh vực Truyền thông và Internet với khoảng 150 nhân sự.

Từ khi học cấp 2, Dũng đã có niềm đam mê với internet, ước mơ ấy theo anh suốt những năm sau đó. Học hết cấp 3, Dũng quyết định bước vào “trường đời” thay vì giảng đường Đại học để theo đuổi ước mơ lập nghiệp từ internet. Bố mẹ và gia đình đã từng rất thất vọng về quyết định không thi đại học của Dũng. Thế nhưng, chính quan niệm xã hội và áp lực kì vọng của cha mẹ đã làm cho chàng trai trẻ thêm quyết tâm để thành công.

Nguyễn Văn Dũng- người được mệnh danh là “triệu phú internet Việt Nam” 

Dũng tâm sự: “Trượt đại học hoặc không học đại học không hề ngăn cản bạn tìm thấy và nắm bắt cơ hội của mình, đó cũng chính là động lực để bạn có thể dấn thân và lập nghiệp. Đối với tôi cũng vậy, để có một quyết định không thi đại học là cả một sự đầu tranh, cả những dằn vặt và quyết tâm xác định mình sẽ bước trên một con đường đầy chông gai và vất vả nhưng tôi nghĩ chỉ có con đường duy nhất là tiến lên phía trước mới khiến mình trưởng thành”.

“Thành công đến từ chính mình chứ không phải từ một tấm bằng. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể gây dựng nên sự nghiệp mà không cần đến tấm bằng đại học mà chỉ cần cháy bỏng ước mơ, dám nghĩ dám làm”- đó chính là điều triệu phú trẻ tuổi Việt Nam tâm niệm.

Chia sẻ với những sĩ tử đang vượt qua giai đoạn khó khăn này, Dũng nói: “Trượt Đại học chỉ là “thành công bị trì hoãn”, đừng nên để nó quyết định vận mệnh của chính mình. Vào đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường đi đến thành công chứ không phải là duy nhất. Nếu bạn có ước mơ, có khao khát, sẵn sàng nỗ lực để hoàn thiện bản thân và quyết tâm theo đuổi đam mê của mình thì bạn hoàn toàn có thể đặt chân lên đỉnh vinh quang mà không cần phải học đại học”.

Theo cô Nguyễn Tường Lan, Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh trường THCS - THPT Hà Thành, hầu hết thí sinh khi biết mình trượt sẽ rất buồn. Nếu như các em buồn một, thì bố mẹ còn buồn nhiều hơn, tạo ra một không khí chung trong gia đình có con trượt đại học là căng thẳng, mệt mỏi. Sự buồn bã, chán nản đó, theo cô Lan là xuất phát từ suy nghĩ thiếu hiểu biết.


Cô Nguyễn Tường Lan

“Việc các em chưa đủ điểm vào đại học chỉ là thất bại ban đầu. Các em còn cả một cuộc đời phía trước, còn rất nhiều cơ hội để làm lại. Tư duy theo kiểu đại học là con đường duy nhất để vào đời, khiến cho việc trượt đại học trở nên rất tiêu cực và bi quan. Hơn nữa, người ta đến với Đại học không nhất thiết cứ phải ngay giai đoạn đầu tiên. Có người đến với Đại học khi đã đi làm rồi, người ta nhận thấy cần phải có kiến thức đại học thì mới đi học”, cô Lan chia sẻ.

Theo cô Tường Lan, điều quan trọng hơn, các em chưa đỗ đại học cần hiểu rằng không phải con đường vào đời của các em đã chấm dứt. Ngược lại, nó giúp các em mở rộng tầm nhìn ra, ngoài đại học còn có những công việc khác. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của cuộc đời là sống hiệu quả, và chỉ hiệu quả khi mình có một đời sống tinh thần thoải mái, lương thiện và có một nghề thu nhập tốt.

Do đó, trong giai đoạn khó khăn này, theo cô Tường Lan, các em cần bình tĩnh, gác lại việc học hành và điểm số, tạm thời nghỉ ngơi một thời gian, nghe nhạc, chơi thể thao, đi du lịch... Dành thời gian suy ngẫm trong suốt 12 năm mình đã có được những điều gì tốt đẹp từ cha mẹ, thầy cô, cuộc sống… Các bậc phụ huynh thay vì nặng nề, u ám, thay vì chỉ trích con, hãy cùng con tìm ra giải pháp mới, để con có thể bước tiếp trên chặng đường đời dài phía trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần Đăng Khoa: Trượt đại học, sao phải tự tử!
Trần Đăng Khoa: Trượt đại học, sao phải tự tử!

Những ngày công bố điểm thi tuyển sinh Đại học cao đẳng là những ngày phấp phỏng nhất, căng thẳng nhất, không phải chỉ đối với các thí sinh mà cả với các bậc phụ huynh

Trần Đăng Khoa: Trượt đại học, sao phải tự tử!

Trần Đăng Khoa: Trượt đại học, sao phải tự tử!

Những ngày công bố điểm thi tuyển sinh Đại học cao đẳng là những ngày phấp phỏng nhất, căng thẳng nhất, không phải chỉ đối với các thí sinh mà cả với các bậc phụ huynh

Đại học Y xin “cứu” thí sinh 27 điểm vẫn trượt đại học
Đại học Y xin “cứu” thí sinh 27 điểm vẫn trượt đại học

Lãnh đạo nhà trường đang gửi công văn lên Bộ GD&ĐT xin thêm chỉ tiêu để đào tạo hệ ngoài ngân sách.

Đại học Y xin “cứu” thí sinh 27 điểm vẫn trượt đại học

Đại học Y xin “cứu” thí sinh 27 điểm vẫn trượt đại học

Lãnh đạo nhà trường đang gửi công văn lên Bộ GD&ĐT xin thêm chỉ tiêu để đào tạo hệ ngoài ngân sách.