Xã hội hóa y tế: Liệu có bắt tay vì lợi ích riêng?
VOV.VN -Một số vụ việc xảy ra vừa qua phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, thậm chí dư luận còn đặt câu hỏi về lợi ích nhóm.
Chủ trương đúng nhưng cần giám sát, kiểm tra
Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, y tế Việt Nam tiến rất là nhanh trong hơn một thập kỷ qua, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân không ngừng được nâng cao. Tuy vậy, nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn nên công tác xã hội hóa đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, xã hội hóa y tế là chủ trương đúng đắn và tương đối hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội |
Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức cho biết, trong những năm qua, Nhà nước đầu tư mạnh cho y tế, tuy nhiên chưa thể đáp ứng yêu cầu. Việc xã hội hóa để huy động các nguồn lực nâng cấp các cơ sở y tế có ý nghĩa thiết thực và người bệnh được hưởng lợi trước nhất.
“Trước đây bệnh viện trong nước không có máy móc nên nhiều người phải ra nước ngoài chữa trị với chi phí gấp đôi, gấp ba. Từ hoạt động xã hội hóa, nhiều máy hiện đại được trang bị, tính chính xác trong khám, chẩn đoán và điều trị được nâng lên”, ông Quyết khẳng định.
Hiệu quả từ công tác xã hội hóa trong khám chữa bệnh là điều có thể thấy. Tuy nhiên, sau một số sự việc xảy ra trong thời gian qua tại các cơ sở y tế, dư luận băn khoăn về mặt trái của công tác xã hội hóa. Đó là việc có hay không “lợi ích nhóm”, lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu; Lãnh đạo bệnh viện bắt tay liên kết với công ty bên ngoài đưa trang thiết bị vào để ăn chia, lợi dụng vì lợi ích riêng.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận, “dư luận phản ánh có phần đúng”, nhưng không thể căn cứ vào những vụ việc đơn lẻ để rồi đánh giá mà cần phải có bằng chứng và dựa trên cơ sở khoa học.Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, thì việc xã hội hóa sẽ giúp các cơ sở y tế được trang bị máy móc hiện đại; cán bộ y tế được tiếp cận với công nghệ tiên tiến để nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó công tác khám chẩn đoán bệnh chính xác hơn, điều trị tốt hơn, người bệnh được hưởng lợi.
“Tuy vậy, thời gian qua, công tác xã hội hóa trong y tế vẫn còn một số tồn tại, một số sự việc xảy ra, lãnh đạo các đơn vị bị xử lý kỷ luật, cá biệt có người vướng vào vòng lao lý. Đây là điều rất đáng tiếc”, ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, qua kiểm tra cho thấy, hầu hết những đơn vị để xảy ra sai sót đều chưa tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn, theo đúng trình tự ; công tác giám sát, tự kiểm tra và vai trò của người đứng đầu, của tập thể chưa rõ ràng. Đây cũng là vấn đề được Bộ Y tế rất quan tâm, chấn chỉnh trong thời gian tới.
Lấy đâu ra máy mà “đắp chiếu”!
Trước những thông tin cho rằng, máy do nhà nước đầu tư hỏng nhẹ thì “đắp chiếu”, còn máy xã hội hóa chạy hết công suất, thậm chí thời gian chờ đợi ít hơn, Giám đốc Bệnh viện Việt- Đức, ông Nguyễn Tiến Quyết bày tỏ: “Chúng ta nói phải có bằng chứng".
"Một bệnh viện máy không đủ cung cấp dịch vụ cho dân thì chẳng có cái nào đắp chiếu cả. Bệnh viện chúng tôi đến nay cũng mới chỉ có một cái máy xã hội hóa là máy cộng hưởng từ. Còn những nơi có máy “đắp chiếu” phải chăng được Nhà nước đầu tư quá nhiều, thừa thãi? Muốn biết chính xác phải kiểm tra, xác minh một cách minh bạch”, ông Quyết nói.
Giám đốc Bệnh viện Việt- Đức, ông Nguyễn Tiến Quyết |
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, thực tế có tình trạng máy được Nhà nước đầu tư khi hỏng hóc thì mất rất nhiều thời gian để sửa chữa. Nguyên nhân nằm ở khâu thủ tục hành chính.
“Trình xin ngân sách sửa chữa rất tốn thời gian. Hỏng một cái bóng đèn tiền triệu nhưng trình để xin kinh phí phải mất vài tháng. Đây cũng là một hạn chế làm cho máy móc sử dụng chưa phát huy tối đa hiệu quả. Còn máy xã hội hóa, do tư nhân đầu tư thì chỉ cần trình hôm trước hôm sau sửa ngay nên nhanh cũng là điều dễ hiểu”, ông Tiên nói.
Về khâu thủ tục hành chính, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn giải thích, Luật Ngân sách quy định rất chặt chẽ và chúng ta phải tuân theo luật. Với bệnh viện công, muốn chi tiêu một việc gì phải có trong dự toán. Do đó, nếu làm kế hoạch không tốt, dự toán không dự trù tình huống thì khi máy hỏng phải báo cáo, trình xin kinh phí.
Một cái khó nữa khiến cho việc duyệt kinh phí sửa chữa máy móc còn mất nhiều thời gian, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn là do kinh phí dành cho duy tu bảo dưỡng trang thiết bị chưa bảo đảm. Điều này cũng cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm, có sự ưu tiên để sử dụng hiệu quả máy móc, phục vụ người dân được tốt nhất./.