Xả nước thủy điện chống hạn: Cần hài hòa giữa các lợi ích
(VOV) -Mặc dù còn nhiều quan điểm nhưng các ngành và địa phương thống nhất cần hài hòa lợi ích trong việc phân bổ nguồn nước
Sáng (31/3), tại Đà Nẵng, Tổng cục thủy lợi (Bộ NN-PTNT) tổ chức cuộc họp với 2 địa phương Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bàn biện pháp điều tiết nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ngành nông nghiệp, thủy lợi, cuộc họp còn triệu tập các chủ nhà máy thuỷ điện thượng lưu sông Vu Gia, Thu Bồn. Mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau nhưng các ngành và các địa phương thống nhất cần hài hòa lợi ích trong việc phân bổ nguồn nước còn lại từ các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn.
Hạn hán khiến lòng hồ cạn nước |
Hiện nay tại thành phố Đà Nẵng: hơn 1.000 ha đông xuân bị bị thiếu nước. Nhà máy nước Đà Nẵng phải bơm nước từ trạm bơm dự phòng trên đập dâng An Trạch, cách trạm bơm cầu Đỏ 8km, chi phí vận hành đội lên 2 tỷ đồng mỗi tháng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, các trạm bơm Tứ Câu, Vĩnh Điện phải dừng vận hành vì độ nhiễm mặn lên đến 9 đến 15/%0.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Đà Nẵng đưa ra thông tin: hiện lưu lượng nước về hồ Đắk My 4 đạt từ 15 đến 40 m3/s, nhưng thủy điện không xả cống xả sâu trả lại dòng cho sông Vu Gia là không thể chấp nhận được. Trong khi dòng Vu Gia chỉ cần 6 m3/s là đủ cho nhà máy nước Đà Nẵng hoạt động: Vì vậy, Thành phố Đà Nẵng kiên quyết đề nghị thủy điện Đăk My 4 trả nước về sông Vu Gia để cứu nhà máy nước Đà Nẵng: Dòng cơ bản trong mùa khô đến bao nhiêu trả cho chúng tôi bấy nhiêu. Chúng tôi có cách thức kiểm soát được nguồn nước. Đề nghị Đăk My 4 nên có sự phối hợp, đặc biệt là lúc này căng thẳng nhất trong 40 năm qua.
Trong khi thành phố Đà Nẵng yêu cầu thủy điện Đăk My 4 trả nước theo tinh thần chỉ đạo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tỉnh Quảng Nam đề nghị ưu tiên giữ nguồn nước thủy điện Đăk My 4 cho sản xuất hè thu. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Trong khi chưa ban hành được quy chế điều tiết liên hồ trong mùa kiệt như thế nào tôi đề nghị cơ chế phối hợp hành động như thế nào cho trong thời gian tới. Trong thời gian sớm nhất phải coi đây là một thiên tai, làm sao phải xử lý sớm.
Đại diện các Công ty thủy điện A Vương và Đăk My 4 cho biết, lượng nước tại các hồ chứa thủy điện còn 19 đến 21% dung tích chứa, quá thấp nên không thể xả nước phục vụ theo nhu cầu các địa phương. Trong lúc đó, hiện chưa có sự thống nhất về điều hành nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành phương án điều hành liên hồ chứa mùa khô. Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cùng đề nghị thống nhất xả nước 2 thủy điện Đăk My và A Vương chung một đợt từ ngày 15 đến 30/5 để phục vụ sản xuất lúa hè thu. Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị: Thứ nhất, chúng ta nên xả các hồ này tập trung trong một khoảng thời gian nhất định. Sau xả đợt một sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm. Thứ 2, về lưu lượng xả, qua theo dõi vừa rồi chúng ta cứ xả Đăk My là 50 m3/s còn A Vương là 39m3/s, tập trung một số ngày như vậy yêu cầu của 2 địa phương là có thể đáp ứng được.
Bên cạnh đó, 2 địa phương cũng đề nghị Bộ NN-PTNT chặn dòng Thu Bồn tại ngã 3 sông Quảng Huế bằng đập dâng tạm để dồn nước về sông Vu Gia, không phân lưu qua nhánh sông Quảng Huế.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT cho rằng: Sau khi tiết kiệm nước và xả nước thủy điện rồi nhưng phải căn cứ vào nguồn nước hiện có của mình. Bây giờ nếu xả hết thì làm thế nào. Phải cân đối lại nguồn nước, có thể có giải pháp điều chỉnh cơ cấu cây trồng. Về trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, chúng tôi tham mưu cho Bộ trong thời gian sớm nhất sẽ có thông báo đến các địa phương, các đơn vị thời gian xả nước. Thứ 2, về điều tiết nước chỗ Quảng Huế, Bộ đã có quyết định rồi, điều tiết thế nào cho hợp lý.
Trong khi mùa lũ năm 2012, lượng mưa chỉ bằng 40 -60% trung bình nhiều năm, lượng nước các hồ chứa thủy điện có hạn, vì vậy các địa phương, các ngành cần đảm bảo hài hòa lợi ích. Trong đó ưu tiên số 1 là nước sinh hoạt, tiếp đến là nước cho sản xuất nông nghiệp. Sau đó cùng mới tính đến lợi ích của thủy điện và các ngành khác đúng theo tinh thần của Luật Tài nguyên nước và chỉ đạo của Chính phủ./.